(ĐHXIII) - Đó là chia sẻ của đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL
|
Theo đồng chí Bùi Văn Cường, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử được coi là một cuộc “sát hạch” để cử tri đánh giá các ứng cử viên.
Hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thành công đối với các ứng cử viên tham gia bầu cử đại biểu dân cử. Là một công đoạn không thể thiếu được của quá trình bầu cử, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử làm cho bầu cử trở nên dân chủ, khách quan, công bằng hơn và là một trong những điểm đặc trưng trong đời sống chính trị hiện đại, chứng tỏ trình độ văn minh của một xã hội, sự dân chủ thực sự của xã hội đó.
Đây là cuộc “sát hạch” quan trọng, có ý nghĩa to lớn so với các cuộc sát hạch khác vì đối tượng là các ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Do đó, đây là dịp để cử tri hiểu rõ hơn về ứng cử viên, xem xét năng lực trình độ của mỗi ứng cử viên để quyết định lựa chọn những ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn, có khả năng thay mặt, đại diện cho mình tham gia cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đây còn là cơ hội duy nhất để ứng cử viên thể hiện mình, vận động cử tri bỏ phiếu cho mình nên mỗi ứng cử viên đều phải cố gắng thể hiện bản thân, năng lực của mình ở mức cao nhất.
Liên quan tới hoạt động vận động bầu cử và việc ứng cử viên có được vận động qua mạng xã hội không, đồng chí Bùi Văn Cường nêu rõ: Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm 3 nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Điều 63 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Thứ nhất, việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Thứ hai, người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó. Thứ ba, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng hai hình thức. Thứ nhất, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Thứ hai, thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Tuy nhiên, trên thực tế, với việc phát triển mạnh mẽ và tác động rất lớn của mạng xã hội hiện nay, ngoài hai kênh chính thống đã nêu trên, theo tôi, người ứng cử có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri và vận động bầu cử cho mình, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội và về vận động bầu cử, không được thực hiện các hành vi bị pháp luật cấm./.
Bích Liên