(ĐHXIII) - Trong các hội nghị cử tri, những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
|
Cán bộ MTTQ phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên trao đổi kế hoạch giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn
|
Căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các cơ sở về dân số; đơn vị hành chính, số lượng, cơ cấu và thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Vĩnh Phúc được phân bổ tổng số 6 đại biểu; trong đó, đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương 4 đại biểu, đại biểu do Trung ương giới thiệu 2 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến được bầu là 52 đại biểu (tăng 2 đại biểu so với nhiệm kỳ 2016-2021); số lượng đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến được bầu là 301 đại biểu và dự kiến được bầu 3.419 đại biểu HĐND cấp xã.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc, trên cơ sở số lượng đại biểu HĐND các cấp được bầu, theo nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và các huyện, thành phố sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và UBND cùng cấp đã dự kiến cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, huyện và các xã, phường, thị trấn, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính cấp mình bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch.
Trong đó, các cấp coi trọng chất lượng, lựa chọn đại biểu là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ; đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở tỉnh, huyện và các thôn, tổ dân phố, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn; có đại diện của các thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, độ tuổi.
Đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ, phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND; bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương.
Trong đó, quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của HĐND; phấn đấu tỷ lệ đại biểu HĐND là người ngoài Đảng không dưới 10%; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không dưới 15% và phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên số đại biểu HĐND nhiệm kỳ trước tái cử...
Để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung công tác Mặt trận tham gia bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thống nhất ý kiến với Thường trực HÐND, UBND cùng cấp để thành lập, cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử như: Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần, số lượng theo quy định.
Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban MTTQ các cấp triển khai tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã; hướng dẫn quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; xây dựng kế hoạch, lịch trình thực hiện các nội dung công tác bầu cử thuộc trách nhiệm của Ủy ban MTTQ tỉnh...
Trong công tác hiệp thương, trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban Bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp chủ động thực hiện các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND theo quy định. Trong đó, chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn Ban công tác mặt trận thực hiện đúng quy trình giới thiệu người ở thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Theo luật định, Ủy ban MTTQ các cấp phải tổ chức hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm, đến ngày 9/2/2021, MTTQ các cấp đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, đối với cấp tỉnh tổng số đại biểu do hội nghị hiệp thương giới thiệu ứng cử là 99 người, trên cơ sở đó tiến hành tổ chức hiệp thương theo quy định chọn danh sách 85 người để giới thiệu bầu 52 đại biểu.
Theo dự kiến trên, số người được giới thiệu ứng cử là nữ 16 người, đạt tỷ lệ 31%; đại biểu tái cử là 17 người, đạt 33%; người ngoài Đảng là 5 người, đạt 10%; cơ cấu trẻ là 8 người; đối với cấp huyện tổng số đại biểu do hội nghị hiệp thương giới thiệu ứng cử là 585 người và cấp xã là 6.732 người.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền cùng cấp hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, cử tri nơi công tác đối với những người được giới thiệu ứng cử (và tự ứng cử) ĐBQH, đại biểu HĐND theo quy định.
Trong các hội nghị cử tri, những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Với việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định trong công tác bầu cử của MTTQ các cấp sẽ góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
Hoàng Nga