Năm 2020, tinh giản biên chế được gần 23.900 người
Phiên họp thứ 56 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội . Ảnh: Doãn Tuấn

Phiên họp thứ 56 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội . Ảnh: Doãn Tuấn

Theo báo cáo, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; các bộ, ngành, địa phương tích cực rà soát, kiện toàn hệ tổ chức bộ máy theo hướng giảm bớt những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế. Đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (giảm 06 đơn vị cấp huyện và 546 đơn vị cấp xã). Tinh giản biên chế tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, năm 2020 đã thực hiện tinh giản biên chế 23.896 người.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt; tăng cường họp, làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm).

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua biên giới; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, tại báo cáo, Chính phủ cũng thừa nhận một số tồn tại, hạn chế như: Tổ chức bộ máy một số cơ quan vẫn còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian; kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn bất cập, hiệu quả chưa cao; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực; vẫn còn hiện tượng một bộ phận công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp…

Tiếp tục triển khai hiệu quả những nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đưa kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, gắn với công tác phòng chống tham nhũng. Nâng cao công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí./.

Phản hồi

Các tin khác