(ĐHXIII - Mỗi năm, Thanh Hóa có hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ; nhiều người sau đó được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, họ trở thành những hạt nhân ở cơ sở, góp phần tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xây dựng quê hương.
|
Kết nạp Đảng trong quân ngũ, sau khi trở về địa phương, anh Trương Ngọc Lưu (người đứng đầu) ở xã Yên Thọ (Như Thanh) luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào. Ảnh: Q.H
|
Theo đánh giá của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, việc quản lý, bố trí, sử dụng đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương được tiến hành chặt chẽ. Hằng năm, đảng viên trước khi xuất ngũ đều được đơn vị chuyển hồ sơ Đảng và giới thiệu tham gia sinh hoạt tại các chi bộ, đảng bộ nơi cư trú. Tiếp nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, ban chỉ huy quân sự cấp xã, thị trấn sàng lọc, giới thiệu cho các tổ chức đảng, chính quyền cơ sở, sinh hoạt tại chi bộ thôn, khu phố. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có trên 400 đảng viên kết nạp trong quân ngũ trở về địa phương. Nhằm vận động, khuyến khích lực lượng này đóng góp sức trẻ cho quê hương, nhiều đảng viên trẻ sau khi xuất ngũ đảm nhận vai trò là bí thư chi đoàn và phó bí thư chi đoàn kiêm thôn đội trưởng, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó quân sự xã, phường, thị trấn...
Thực tế cho thấy, đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và được bố trí làm việc trong hệ thống chính trị đã góp phần tăng nguồn lực cán bộ trẻ, tỷ lệ lãnh đạo trẻ, tăng sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong đảng bộ quân sự địa phương. Đồng thời nâng cao tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ, cùng xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, nhiều người phát huy được sở trường làm kinh tế tư nhân, mở xưởng sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, góp phần xây dựng quê hương.
Xã Thiệu Vân (TP Thanh Hóa) hiện có khoảng 10 đảng viên xuất ngũ về làm việc tại xã và các thôn. Anh Nguyễn Văn Thiện, sinh năm 1982 là một trong số đó. Anh Thiện tham gia quân ngũ từ năm 1998-2000. Thời gian tại ngũ, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Xuất ngũ, anh được giới thiệu và tham gia làm bí thư chi đoàn thôn. Đến tháng 5-2003, anh được điều chuyển làm bí thư đoàn xã. Làm tốt nhiệm vụ được giao, quần chúng tin tưởng, cấp trên tín nhiệm từ năm 2016 đến nay, anh được bầu giữ chức vụ phó chủ tịch HĐND xã. Anh Thiện chia sẻ: “Công việc nhiều nhưng thời gian tôi luyện trong quân ngũ giúp tôi kiên trì, chịu khó, tác phong, lề lối làm việc cũng chuyên nghiệp hơn. Nhất là có sự đoàn kết, hỗ trợ của lãnh đạo, cán bộ trong xã càng giúp tôi thêm tự tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Hậu Lộc tiếp nhận trên 30 đảng viên xuất ngũ về sinh sống, làm việc. Trong đó, 5 đảng viên nhận công tác tại ban chỉ huy quân sự xã, thị trấn; 10 đồng chí làm chỉ huy đơn vị dân quân... Đồng chí Lương Minh Hùng, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hậu Lộc nhận xét: Đảng viên trở về địa phương sau thời gian rèn luyện trong quân ngũ đều chấp hành nghiêm nhiệm vụ tổ chức phân công, tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Nhận rõ đây là nguồn nhân lực tiềm năng, Huyện ủy Hậu Lộc chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ xây dựng kế hoạch quản lý, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đồng chí. Đối với những đồng chí công tác tại cơ quan Nhà nước, lãnh đạo tạo mọi điều kiện, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn để định hướng phát triển lâu dài. Ngoài ra, huyện còn đề nghị doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là đảng viên.
Tương tự, từ năm 2016 đến nay huyện Vĩnh Lộc có 32 đảng viên xuất ngũ đang sinh hoạt và học tập. Huyện nhận 2 đồng chí vào cơ quan cấp huyện, 10 đồng chí vào cơ quan đảng ủy, UBND, đoàn thể xã, thị trấn. Đồng chí Lê Văn Tịnh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Lộc, chia sẻ: “6 tháng trước khi các đồng chí xuất ngũ, chúng tôi chỉ đạo cơ sở rà soát, nắm bắt lại nguyện vọng của các em và gia đình. Sau đó, địa phương xây dựng kế hoạch hành động trước khi đảng viên trở về, tuyệt đối tránh tình trạng cả tuần sau chi bộ mới gặp đảng viên. Đặc biệt, bà con rất tin tưởng lực lượng trên trở thành nòng cốt trong thôn xóm. Vì thế, chúng tôi vận động đảng viên đảm nhận những vị trí như phó trưởng thôn, bí thư chi đoàn...”.
Được rèn luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao nên khi về với cuộc sống thường nhật, đảng viên là quân nhân xuất ngũ thường có trách nhiệm cao và tác phong làm việc nhanh nhẹn. Thêm nữa, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương nên nhiều người tiếp tục khẳng định được bản lĩnh người đảng viên - chiến sĩ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực đóng góp, tham gia công tác trong hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trưởng thành từ môi trường quân ngũ, vào tháng 3-2018, anh Trương Ngọc Lưu (sinh năm 1993) là một trong số những thanh niên ưu tú của xã Yên Thọ (Như Thanh) được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng trong quá trình tham gia nghĩa vụ quân sự. Cuối năm 2018, anh xuất ngũ và chuyển sinh hoạt Đảng về Chi bộ thôn Minh Thịnh; trở thành một trong những đảng viên trẻ xung kích, năng nổ tại chi bộ đảng nơi mình cư trú. Từ những trải nghiệm, kiến thức được bồi dưỡng trong quá trình rèn luyện tại quân ngũ, Trương Ngọc Lưu tiếp cận nhanh với các chủ trương, chính sách của Đảng để cùng chi ủy, chi bộ đưa ra những nghị quyết sát đúng với nhu cầu của bà con trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Anh xung phong đảm nhận vai trò bí thư chi đoàn kiêm thôn đội trưởng. Từ đó, các phong trào, các cuộc vận động đã từng bước được triển khai hiệu quả trên địa bàn. Thông qua những hoạt động này, anh cùng chi bộ đã bồi dưỡng được nhiều đoàn viên ưu tú vào Đảng. Năm 2019, được bầu làm phó bí thư chi bộ thôn, anh Trương Ngọc Lưu đã vận động bà con tích cực, chủ động giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn, thực hiện phong trào “Thắp sáng vùng quê” và đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn. Không chỉ vận động người dân sinh sống tại địa phương, anh còn vận động, kêu gọi con em đang làm ăn xa đóng góp xây dựng quê hương. Bởi vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, 15/15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của thôn được hoàn thành với hơn 500 triệu đồng được vận động từ xã hội hóa.
Anh Lương Viết Dũng (sinh năm 1983) là một trong số thanh niên ưu tú của xã Tân Thọ (Nông Cống) được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng trong quá trình tham gia nghĩa vụ quân sự. Tháng 8-2008, anh Dũng xuất ngũ và chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương, trở thành một trong những đảng viên trẻ xung kích, năng nổ của xã Tân Thọ và được bầu làm phó bí thư rồi bí thư đoàn xã, đến tháng 9-2018 được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Thọ. Trên các cương vị, chức trách được giao, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đặc biệt là vận động hiệu quả bà con triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chỉ sau một thời gian ngắn, 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã đã được hoàn thành với tổng nguồn lực xây dựng đạt gần 200 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: Kết quả khảo sát cho thấy, đội ngũ đảng viên trẻ từ các đơn vị quân đội xuất ngũ về địa phương đều giữ vững bản lĩnh chính trị, nhiều đồng chí còn phát huy kiến thức tích lũy được để xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Thực tế cho thấy, nhiều đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được bố trí việc làm trong hệ thống chính trị ở cơ sở đã góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, tỷ lệ lãnh đạo trẻ, tăng sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập, khó khăn đặt ra trong việc sử dụng và phát huy hơn nữa vai trò của những đảng viên là bộ đội xuất ngũ./.
Quốc Hương