|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quà lưu niệm cho anh Nguyễn Trọng Thái tại chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” năm 2017. (Ảnh: NVCC)
|
Được nghe về anh đã lâu, nhưng đến Quảng Ninh lần này, chúng tôi mới trực tiếp được trò chuyện cùng Anh hùng Lao động, đảng viên Nguyễn Trọng Thái – người thợ lò có nhiều kỳ tích ấn tượng của ngành Than.
Yêu nghề, nghề chẳng phụ mình
Sinh ra và lớn lên tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, anh thanh niên Nguyễn Trọng Thái (sinh năm 1974) đã sớm có quyết tâm tìm một công việc ổn định để thoát ly khỏi cảnh khó khăn nơi làng quê. Anh đã chọn đất mỏ Quảng Ninh để bắt đầu thực hiện mong muốn của mình. 18 tuổi, anh bắt đầu bằng công việc đội than thuê để trang trải cho cuộc sống. Công việc không ổn định, năm 1992, anh quyết định đi học tại trường công nhân mỏ Hữu nghị Việt Xô. Ra trường năm 1994, anh được nhận về nhận công tác tại Công trường Kiến thiết cơ bản 1, Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty CP than Hà Lầm).
Chia sẻ với phóng viên về cơ duyên đến với nghề, anh Thái cho biết, chỉ đơn giản là lớn lên đi tìm một công việc làm phù hợp với sức lực của mình để có thu nhập chính đáng về cho gia đình, nhưng càng làm, càng thấy yêu nghề vì bởi anh đã phát hiện ra nhiều điều thú vị, nhiều kinh nghiệm quý có thể giúp ích được trong cuộc sống và trong công việc. Mỗi tầng đất, lớp đất khác nhau đều có những đặc điểm riêng khiến người thợ lò phải ghi nhớ để làm chủ và chinh phục nó. Dần dần, những kinh nghiệm mà anh tích lũy được đã tạo động lực và niềm tin giúp anh và đồng đội có thể tiếp cận những độ sâu dưới lòng đất nhiều hơn.
Năm 1997, anh Thái được thi lên bậc 5/6. Đến năm 1998, anh tham gia Hội thi thợ giỏi cấp Tổng Công ty và đạt danh hiệu "Thợ giỏi Tổng Công ty Than Việt Nam", được đặc cách nâng bậc 6/6.
Năm 1999, được đồng nghiệp và công ty tín nhiệm, anh Thái trở thành Tổ trưởng Tổ đào lò mang chính tên anh của Công trường Kiến thiết cơ bản 1, có nhiệm vụ chuyên mở những đường lò cơ bản phục vụ các đơn vị khai thác than.
Tại mỏ Than Hà Lầm thời điểm đó, ai làm tổ trưởng thì tổ mang tên người đó, như một cách khích lệ tinh thần làm việc và tăng trọng trách của người đứng đầu. Chỉ huy tổ thợ đào lò mang tên mình, Tổ trưởng Nguyễn Trọng Thái luôn duy trì vị trí đứng đầu, không chỉ ở Công ty CP Than Hà Lầm mà còn ở toàn ngành than, với kỷ lục năng suất cao nhất và ít sự cố nhất. Liên tục 7 năm liền, từ 2001-2007, tổ Nguyễn Trọng Thái dẫn đầu TKV về sản lượng đào lò, với mức bình quân từ 2,1 - 2,4m/ca trên tiết diện 8,5 - 12,5m2. Bình quân, mỗi năm tổ của anh đào được khoảng 3.000m đường lò - một thành tích đáng nể trong ngành than.
Tổ sản xuất của anh luôn được Công ty tin tưởng giao nhiều công trình quan trọng như: khoanh vùng lò chợ cơ giới hóa dọc vỉa 7.3 mức -300 (chiều dài 4.000m); công trình boong ke rót than mức -270 đến -300... Những công trình này đều được hoàn thành đúng tiến độ.
|
Anh Thái được vinh danh tại trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”.
|
Là người đi trước, mở đường, là những nơi chưa từng có ai đặt chân tới, hệ thống thông gió cục bộ, địa chất còn mới, lạ, cần phải có tinh thần làm việc kiên định, không dao động. Hơn 27 năm chinh phục, mở những đường lò nằm sâu dưới lòng đất, khó khăn vất vả không ít, nhưng người thợ lò Nguyễn Trọng Thái vẫn luôn mang trong mình sự say mê, lòng kiên định với nghề. Sự gắn bó ấy dường như đã trở thành một tình yêu sâu đậm anh dành cho nghề, cho đất mỏ và chưa bao giờ anh có ý định chuyển sang ngành nghề khác.
Trong rất nhiều những phần thưởng cao quý, anh yêu và xúc động nhất là “phần thưởng” được lãnh đạo Cty CP than Hà Lầm chọn là người đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -300 - độ khai thác sâu nhất của toàn ngành than vào năm 2011. Đây có thể coi như “phần thưởng cuộc đời” của anh, nhưng cũng là bước ngoặt lịch sử của ngành than khi chính thức mở ra một giai đoạn chinh phục độ sâu mới của toàn ngành. Không những vậy, Nguyễn Trọng Thái còn vinh dự được chọn mẫu chân để đúc bước chân thợ mỏ ở độ sâu -300m. Hiện vật đặc biệt được đúc bằng đồng này hiện đang được lưu giữ tại phòng truyền thống của Cty CP than Hà Lầm. Anh khiêm tốn chia sẻ, rằng còn nhiều người xứng đáng hơn anh, nhưng thôi “cứ làm việc hết mình thì nghề chẳng phụ”.
“Cây sáng kiến” của ngành Than
Hơn 27 năm làm việc, anh Thái đã tích cực tham gia đóng góp hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao sản lượng than, tiết kiệm chi phí trong sản xuất mang lại hiệu quả, được nhận nhiều khen thưởng của Công ty CP than Hà Lầm và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Anh Nguyễn Trọng Thái được biết đến như là một trong những “cây” sáng kiến của TKV. Năm nào anh cũng có ít nhất vài ba sáng kiến, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao độ an toàn trong sản xuất cho Cty. Không ít lần, anh “ôm” hàng chục triệu tiền thưởng về nhà do sáng kiến mang lại hiệu quả lớn cho công ty. Trừ mấy năm đầu mới vào nghề, còn sau đó, năm nào anh cũng đạt danh hiệu thợ đào lò xuất sắc nhất của Tập đoàn TKV và là số ít giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Tập đoàn 10 năm liền.
Nhiều sáng kiến hay của anh Thái được áp dụng vào sản xuất đã mang lại giá trị lớn hàng trăm triệu đồng như: Dập bụi phun sương trên khai trường khai thác mỏ và các đầu máy thiết bị, trong hầm lò; sáng kiến nối dài máy khoan thi công các đường lò có độ dốc lớn của tầng than, so với thiết kế máy khoan ROBBINS ngoại nhập; thay đổi chu kỳ đào lò 2 lớp, nâng cao năng suất than và tiết kiệm chi phí sản xuất; thi công lắp đặt máng trượt thượng chứa than trung gian tại lò thượng thông gió mức -280m, làm giảm ách tắc, tăng năng suất, tiết kiệm phí vận hành và điện năng. Nhiều sáng kiến không ở trong phạm vi hầm lò mà còn được áp dụng ở những phân xưởng khác trong Công ty.
|
Anh Nguyễn Trọng Thái tham dự chương trình “70 năm Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc”.
|
Trong 27 năm công tác, anh Nguyễn Trọng Thái đã có 96 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho đơn vị hơn 10 tỉ đồng. Năm 2007, anh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2010 nhận Huân chương Lao Động hạng Ba; năm 2013 được Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và 2 lần nhận giải thưởng Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017).
Là người thành công, nhưng anh Thái luôn khiêm tốn cho rằng, đó là công lao, sức lực của cả tập thể, cá nhân mình chỉ góp thêm những kinh nghiệm trong lao động mà ra. Anh chia sẻ rằng, được làm việc trong môi trường của Công ty than Hà Lầm là may mắn của anh bởi đây thực sự là một môi trường làm việc tốt. Mỏ rất chú trọng việc áp dụng các thiết bị, công nghệ khai thác hiện đại, đẩy mạnh cơ giới hóa, giúp tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm chu đáo các chế độ cho người lao động. Hiện, Công ty than Hà Lầm đang là mỏ hầm lò hiện đại nhất với sản lượng lớn và số lượng thợ lò đạt thu nhập cao mức trên 300 triệu đồng/năm cao của TKV.
Với vai trò Tổ trưởng tổ sản xuất, không chỉ xung phong đảm nhận những công việc khó, anh Thái luôn tích cực tham gia công tác cứu hộ, xử lý các tình huống khó khăn giúp các đơn vị bạn trong Tập đoàn như: tham gia cứu hộ sự cố bục nước tại mỏ than Thành Công năm 2011.
Một trong những kỷ niệm đẹp và khó quên đối với Nguyễn Trọng Thái và các đồng nghiệp có lẽ là lần trực tiếp tham gia giải cứu 12 nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tháng 12/2014, tại tỉnh Lâm Đồng, khiến 12 công nhân bị mắc kẹt sâu trong lòng đất. Ngay khi sự cố xảy ra, một trong những thợ lò cự phách đầu tiên của ngành than được lãnh đạo TKV điều vào trong Lâm Đồng để phối hợp với các lực lượng khác cứu hộ, cứu nạn là Nguyễn Trọng Thái. Ngay lập tức, anh dẫn nhóm 5 thợ lò của Cty CP than Hà Lầm bay vào Lâm Đồng, cùng với các nhóm thợ lò của một số công ty thành viên khác của TKV.
Tại đây, anh Thái đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy một mũi đào lò cứu hộ, cùng với đồng đội dồn sức lực cao nhất để tiếp cận nhanh nhất đến vị trí 12 công nhân mắc kẹt.
Mục tiêu duy nhất là mở 1 con đường nào ngắn nhất, tiếp cận đồng đội phía trong nhanh nhất. Anh chia sẻ, trước khi triển khai phương án, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã họp để lắng nghe những kinh nghiệm, phương án của các đội thợ. Với kinh nghiệm của mình, anh Thái đã đề xuất mở lối trực tiếp từ cửa hầm, chỉ vượt qua chỗ đất sạt là sẽ tiếp cận được các đồng nghiệp nhanh nhất.
Từ đề xuất đó, mũi đào lò do các thợ đào lò chuyên nghiệp của Tập đoàn CN Than-Khoáng sản Việt Nam cùng các đồng chí trong các đội cứu nạn đã đào thông đường hầm cứu nạn, tiếp cận và giải cứu an toàn 12 công nhân sớm hơn kế hoạch rất nhiều. Với những đóng góp trong công tác cứu hộ vụ sập hầm công trình Thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Trọng Thái đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen.
Nỗ lực phấn đấu trong công việc của anh Thái đã được ghi nhận xứng đáng với nhiều danh hiệu, bằng khen các cấp. Thợ lò Nguyễn Trọng Thái đã được tôn vinh ở nhiều hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến của Công ty và Tập đoàn. Bảng thành tích của cá nhân anh khiến nhiều người nể phục: nhiều năm liền (2007 - 2015) được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công thương các năm 2009 - 2011 - 2012 - 2014; Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013; Giải thưởng “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 11 - năm 2014; được vinh danh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” năm 2017; là 1 trong 6 gương mặt điển hình của TKV tham dự chương trình “70 năm Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc” năm 2018; là 1 trong 3 cá nhân của TKV được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp lần thứ I. Đặc biệt, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, anh Nguyễn Trọng Thái được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới./.
Hiền Hòa