Cần quan tâm hơn nữa lĩnh vực y tế vùng ven biển và hải đảo

Vai trò và sự đóng góp của công tác quân dân y trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Từ đầu thế kỷ thứ XVII, ngư dân của Việt Nam đã là những người đầu tiên có mặt hoạt động trên Biển Đông, đặc biệt là nghề đánh bắt hải sản trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Từ đó đến nay, ngư dân của Việt Nam và các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn duy trì sự có mặt, vừa hoạt động kinh tế biển, vừa khẳng định chủ quyền biển, đảo, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ.

Việt Nam có 3.260 km đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Theo Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS - 1992) và theo Luật Biển của Việt Nam (năm 2012): Việt Nam có đầy đủ đường cơ sở, vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển. Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích nước ta trên đất liền và chiếm khoảng 33% diện tích toàn bộ Biển Đông (diện tích toàn bộ Biển Đông là 3,5 triệu km2). Trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam có khoảng gần 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ khi ngư dân Việt Nam có nghề đánh bắt hải sản trên biển, với mỗi chuyến ra khơi, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ ngư cụ, lương lực, thực phẩm, thì một yếu tố không thể thiếu đó là phải chuẩn bị đầy đủ thuốc mem phòng khi đau ốm, tai nạn, bão, tố trên biển. Nhưng sức lực con người luôn vô cùng nhỏ bé trước sức mạnh của thiên nhiên, vì vậy mỗi khi có tai nạn hoặc gặp thiên tai trên biển, thì mọi sự chuẩn bị vẫn luôn luôn là thiếu. Để khắc phục điều này, qua mỗi thời kỳ, Nhà nước ta luôn chú ý xây dựng, phát triển cơ sở vật chất và các lực lượng chức năng, trong đó có y tế nói chung và quân y nói riêng nhằm hỗ trợ, bảo đảm an ninh, an toàn về sức khỏe và tính mạng của ngư dân cả trên biển, đảo và cả nhân dân vùng ven biển.

 
Trạm Y tế đảo Trường Sa tiếp nhận cấp cứu ngư dân Nguyễn Đức An là lao động trên tàu cá BĐ-96899-TS
(ảnh do Trạm Y tế đảo Trường Sa cung cấp, chụp ngày 13/3/2021)

Cả nước hiện có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm ở ven biển, trong đó có 136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (bao gồm 12 huyện đảo), với 675 xã, phường, thì trấn nằm ở ven biển và có đường biên giới biển. Việt Nam cũng có 189 cảng biển và 15 khu kinh tế ven biển… Ở tất cả các địa phương, đơn vị này đều đã xây dựng được các cơ sở y tế có quy mô từ trạm xá y tế, bệnh xá y tế trở lên. Đặc biệt, tại các huyện đảo, xã đảo đều đã xây dựng được các cơ sở y tế với lực lượng quân y là chủ yếu thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho ngư dân và cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và các tàu, thuyền hoạt động trên biển.

Theo Báo cáo của Cục Quân y tại Hội nghị tổng kết dự án quân dân y kết hợp giai đoạn 2016 - 2020 (tổ chức ngày 30/11/2020 tại Hà Nội), đã cho biết: Lực lượng quân y bộ đội có mạng lưới y tế cơ sở ở 44 tỉnh/thành phố với 435 xã, phường, thị trấn biên giới và gần 600 xã, phường, thị trấn ven biển và đảo. Nhiều năm qua mạng lưới này đã phối hợp với y tế địa phương làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trong 5 năm thực hiện dự án (2016 - 2020), đã nâng cấp 30% phòng khám quân dân y khu vực biên giới, hải đảo; thành lập 50% bệnh xá quân dân y; 100% trạm y tế các xã đảo độc lập; 100% các huyện đảo có phòng mổ trang bị đồng bộ, có thể kết nối mạng internet; trang bị đồng bộ cho 2 đội cơ động phòng chống sinh học, 1 đội cơ động cấp cứu nhiễm xạ; hỗ trợ 10 tỉnh trọng điểm về quốc phòng an ninh; đào tạo liên tục cho trên 2.000 quân y sỹ và tổ chức khám, chữa bệnh kết hợp dân vận…

Đặc biệt, riêng Bệnh viện quân y 175 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 25 năm qua đã được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đặc trách chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ quốc phòng và người dân đang lao động sản xuất trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), cũng như khu vực Nhà giàn DK1và khu vực thềm lục địa phía Nam. Hiện nay, Bệnh viện Quân y 175 đã trở thành bệnh viện hạng 1 và là bệnh viện thuộc tuyến cuối của khu vực phía Nam. Mỗi ngày, bệnh viện điều trị từ 2.000 - 2.600 bệnh nhân ngoại trú và khoảng 1.300 bệnh nhân nội trú; thực hiện cấp cứu khẩn cấp khoảng 130 - 140 ca. Hiện có khoảng 200.000 thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Quân y 175. Đáng chú ý, từ tháng 11 năm 2019, Bệnh viện Quân y 175, kết hợp với Sư đoàn không quân 370 tổ chức vận hành sân bay trực thăng và máy bay trực thăng phục vụ vận chuyển cấp cứu cho chiến sĩ và người dân gặp tai nạn ở Trường Sa. Ngoài ra, sân bay cấp cứu trực thăng của Bệnh viện Quân y 175 cũng là điểm phát triển cấp cứu nhanh, giải quyết tất cả tình huống, sự cố y tế đảm bảo phục vụ tốt sức khỏe cán bộ, nhân dân khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận. Từ khi đưa vào vận hành, các chuyến bay đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Từ năm 2013, Vùng 4 Hải quân được biên chế thêm Tàu quân y HQ-561 (phiên hiệu Khánh hòa - 01). Đây là con tàu được đánh giá hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Theo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tàu quân y HQ-561 có tải trọng hơn 1500 tấn, chở được hơn 200 người và được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại tương đương một bệnh viện ở đất liền. Ngoài nhiệm vụ vận tải chở quân, vận chuyển lương thực thực phẩm, nước ngọt cho các đảo, Nhà giàn DK1 và ngư dân, Tàu quân y HQ-561còn có đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh như một bệnh viện thu nhỏ, với 9 phòng chức năng, gồm phòng giảm áp (điều trị các tai biến do lặn), phòng xét nghiệm, phòng hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm - hội chẩn, phòng mổ có kết nối vệ tinh VINASAT, phòng chuyên khoa răng - hàm - mặt… và  20 giường bệnh. Buồng giảm áp là một trong những buồng hiện đại nhất để điều trị các bệnh liên quan đến những bệnh lý nặng như bệnh giảm áp. Đặc biệt, ở phòng siêu âm có trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175. Ngoài việc cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển và các đảo, Tàu HQ-561còn đảm đương nhiều trọng trách: Tổ chức thăm khám cho quân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 hai năm một lần, mỗi lần kéo dài một tháng rưỡi; phục vụ các chuyến chở các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại Trường Sa; tham gia các đợt diễn tập quốc tế…

 
Tàu quân y HQ-561 (phiên hiệu Khánh hòa - 01) trên đường đi thăm khám cho quân dân các đảo
thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 (ảnh Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cung cấp)

Việc Bệnh viện quân y 175 không ngừng nâng cao năng lực hoạt động, khả năng phục vụ, có sân bay trực thăng kết nối trực tiếp với quần đảo Trường Sa và việc Tàu quân y HQ-561 đi vào hoạt động không chỉ tăng cường thêm đáng kể năng lực thực hiện nhiệm vụ quân y trên biển, mà còn tăng cường sức mạnh và vị thế của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Đó là những điểm nhấn đặc biệt, có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ thực hiện vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, điều trị cho người dân, cán bộ, chiến sỹ trên đảo, trên biển, mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Lĩnh vực y tế trong định hướng chiến lược phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Ngày 22/10/2018, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đặt ra 5 mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030, trong đó riêng với mục tiêu về lĩnh vực xã hội, Nghị quyết yêu cầu: “Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục…”.

Sau khi có Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, đến ngày 5/3/2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP về kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyêt số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong Nghị quyết 29/NQ-CP của Chính phủ, phần nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế đã đặt ra định hướng chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, hải đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân; thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển; tiếp tục thống kê, đánh giá chỉ số phát triển con người tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và so sánh với chỉ số phát triển con người trung bình của cả nước hằng năm”. Và kế hoạch 5 năm đến năm 2025 là: “Ban hành bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo; 100% các xã đảo độc lập có trạm y tế xã đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo; 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2 và được trang bị hệ thống trợ giúp y tế từ xa; đầu tư cho 04 trung tâm cấp cứu 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 06 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo và đóng mới 01 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, trang bị thêm tính năng cấp cứu y tế cho 1 - 2 tàu cảnh sát biển; 100% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển”.

Bệnh viện quân y 175 tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đặc trách
chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ quốc phòng
và người dân đang lao động sản xuất trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa),
cũng như khu vực Nhà giàn DK1và khu vực thềm lục địa phía Nam (nguồn ảnh: benhvien175.vn)

Để thực hiện tốt những mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, đưa nền kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong đó có lĩnh vực y tế nói chung, công tác quân dân y nói riêng phát triển trong tổng thể của vùng ven biển và hải đảo, thời gian tới cần chú ý tiếp tục thực hiện tốt những vấn đề sau:

Một là: Tiếp tục tăng cường hơn nữa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, các địa phương đối với lĩnh vực y tế nói chung, công tác kết hợp quân dân y nói riêng tại các địa phương ven biển, trên biển và trên các đảo. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định.

Hai là: Tăng cường sự chủ động và phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các tỉnh, thành phố ven biển trong công tác đầu tư phát triển mạng lưới các cơ sở y tế vùng ven biển và hải đảo.

Ba là: Thúc đẩy triển khai, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển lĩnh vực y tế nói chung, công tác phối hợp quân dân y nói riêng đối với vùng ven biển và hải đảo. Trong đó quan trọng nhất là những nội dung có liên quan trong Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết 29/NQ-CP của Chính phủ về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bốn là: Không ngừng hiện đại hóa về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người đối với hệ thống các cơ sở y tế vùng ven biển và hải đảo, trong đó tập trung ưu tiên đối với một số bệnh viện trọng điểm như: Bệnh viện 108, Bệnh viện 175, Tàu quân y HQ-561… Đặc biệt ưu tiên quan tâm đầu tư đối với hệ thống các trạm y tế trên các xã đảo độc lập và các bệnh viện, trung tâm y tế tại các huyện đảo, vì đây chính là nơi tuyến đầu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, điều trị cho cán bộ, chiến sỹ và người dân trên biển và trên các đảo.

Năm là: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quân dân y trên biển và hải đảo, vì trên các vùng chồng lấn hoặc trên các vùng biển quốc tế có cả hoạt động của các lực lượng chức năng và ngư dân của Việt Nam, cũng như lực lượng chức năng và ngư dân của các nước khác. Dó đó việc tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh đối với tất cả các bên có liên quan trên tinh thần bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; đồng thời tuân thủ đúng như tinh thần Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS-1992).

Sáu là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác báo chí, truyền thông, tuyên truyền và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này về những thành quả đã đạt được trong lĩnh vực y tế nói chung, công tác phối hợp quân dân y nói riêng đối với vùng ven biển và hải đảo. Qua đó tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, quyết tâm khẳng định và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Bẩy là: Không ngừng tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ và người dân vùng ven biển và hải đảo trong công tác chăm sóc, giữ gìn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Đó chính là nâng cao tính chủ động ứng phó với các nguy cơ về an ninh phi truyền thống, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng ven biển và hải đảo; đồng thời thực hiện mục tiêu bảo đảm “an ninh con người” như trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ./.

------

Tài liệu tham khảo:

1. “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu quốc quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tập 1, Hà Nội năm 2021.

2. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) “về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

3. Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 5/3/2000 của Chính phủ ban hành “kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

4. “Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Dự án quân dân y kết hợp giai đoạn 2016 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025” - Bộ Y tế.

5. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng (http://vdi.org.vn)

6. Bệnh viện quân y 175, Bộ Quốc phòng (https://benhvien175.vn)

Phản hồi

Các tin khác