Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Kinh tế liên tục tăng trưởng khá
Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, liên tục qua nhiều năm gần đây, kinh tế của địa phương tăng trưởng khá và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người có bước tăng mạnh. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ tăng mạnh, các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá cao và toàn diện, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020) ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần 5 năm 2011-2015, tăng bình quân 7,8%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm luôn vượt dự toán được giao. Riêng năm 2020 vừa qua ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với năm 2015.
Nông, diêm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, đang chuyển dần sang sản xuất hàng hoá gắn với tập trung, tích tụ đất đai và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mức độ cơ giới hóa tăng lên rõ rệt.
Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm; đã thu hút được nhà đầu tư lớn vào đầu tư phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ. Các loại hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được đẩy mạnh triển khai, xuất hiện nhiều hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để tổ chức sản xuất với quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức tập trung, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng. Chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết bước đầu được chú trọng. Năng lực khai thác đánh bắt hải sản xa bờ tiếp tục được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi được tăng cường; trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển được thực hiện tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016 -2020) tăng 2,5%/năm, đạt mục tiêu đề ra; giữ vững năng suất lúa trên 132 tạ/ha/năm, tăng 1,6 tạ/ha so với bình quân 5 năm liền kề trước, sản lượng thóc duy trị trên 1 triệu tấn/năm;…
Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt được những thành quả quan trọng. Nổi bật trong đó, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả tích cực. Bước đầu, hết năm 2020 đã có 12 xã (bằng 4,6% số xã trong tỉnh) đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển với nhiều loại hình sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động. Kết cấu tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hoàn thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng khả; cơ cấu lại các ngành sản xuất công nghiệp đạt kết quả bước đầu. Trong đó tập trung phát triển một số ngành công nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, từng bước xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đã kịp thời thực hiện hiệu quả các giải pháp của Chính phủ và của tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp…
Diện mạo mới
Đường giao thông được đầu tư xây dựng tới tận các xã, huyện trong tỉnh Thái Bình.
Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và đạt kết quả tốt (nhất là nguồn vốn xã hội hóa). Nguồn vốn đầu tư công được phân bố tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm và ưu tiên thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện khá đồng bộ. Các chính sách thu hút đầu tư được điều chỉnh, bổ sung kịp thời và thực hiện có hiệu quả; đã huy động được nguồn vốn xã hội lớn cho đầu tư xây dụng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các trục giao thông kết nối các đô thị trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận…
Cùng với đó, thương mại, dịch vụ từng bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn cao cấp đã hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng. Phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Dịch vụ vận tải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm phát triển khá mạnh cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công tác quy hoạch, xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chung, tạo vị thế, điều kiện và đột phá mới cho tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế ven biển để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hướng biển trong những năm tới. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình đã hoàn thành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt;…
Các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại, hoạt động có hiệu quả. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh ở nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. Kinh tế tập thể được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Các hợp tác xã chuyển đổi theo luật, chất lượng, hiệu quả hoạt động được năng lên. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Số doanh nghiệp thành lập mới 5 năm qua tăng 53,7% về số lượng và tăng 1,5 lần về vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước.
Bài, ảnh: KC