|
Ảnh minh họa (Nguồn: BT)
|
Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8 - 9%/năm
Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của Quảng Ngãi, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo và là ngành giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Trong khi đó, Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vừa có đồng bằng, miền núi, vừa có biển, hải đảo và đặc biệt là có hệ thống cảng nước sâu rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện có Khu kinh tế Dung Quất, diện tích 45.000 ha, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ. Gắn kết cùng sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 3 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp giữ vai trò vệ tinh. Đây là những thế mạnh, thuận lợi để tỉnh Quảng Ngãi huy động cho thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (khóa XX) về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp xác định nhiều mục tiêu quan trọng.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8 - 9%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân từ 7 -8%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 69 - 70%.
Riêng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP chiếm khoảng 36 - 37%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt trên 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 12%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 10%.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 63% tổng số lao động toàn tỉnh. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 30 - 32%. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 6,5 - 7%/năm.
Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp thu hút đầu tư khoảng 5 - 6 tỷ USD, các cụm công nghiệp thu hút khoảng 800 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Với các mục tiêu trên, Quảng Ngãi hướng đến việc công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là động lực quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đưa tỉnh Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.
Nỗ lực thực hiện mục tiêu
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, theo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, địa phương sẽ đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm để phát triển công nghiệp. Trong đó, nghiên cứu, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp. Phân bố không gian công nghiệp bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có lợi thế về giao thông, tài nguyên, lao động, logistics; phân bố các cơ sở chế biến nông, lâm sản hợp lý theo hướng gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp có công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cao; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hình thành thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên.
Đi cùng với đó, Quảng Ngãi sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như: công nghiệp năng lượng, lọc hóa dầu, hóa chất, cơ khí chế tạo, luyện kim, vật liệu... Ưu tiên phát triển mạnh mẽ một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin - viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp hóa dược, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp,…
Đồng thời, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp; khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp.
Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước với doanh nghiệp của tỉnh để hỗ trợ tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế trên lĩnh vực công nghiệp. Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn. Đồng thời, địa phương sẽ huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cho phát triển công nghiệp.
Trong đó, địa phương sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp, tập trung phát triển nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, Quảng Ngãi sẽ tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, có đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của tỉnh. Đi cùng với đó, xây dựng đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới, lao động đạt năng suất, chất lượng.
Cùng với các giải pháp trên, địa phương sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Trong đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, xây dựng danh mục các dự án công nghiệp ưu tiên kêu gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; chương trình xúc tiến đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025.
Đáng chú ý, để đạt được các mục tiêu đề ra, Quảng Ngãi xác định cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về phát triển công nghiệp. Trong đó, các cấp ủy đảng và chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-TU. Xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị cần quyết liệt, kiên trì thực hiện; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Cấp ủy, chính quyền phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp có liên quan, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp ở địa phương./.
Minh Thư