Trong đó, xác định rõ phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Phát huy vai trò, hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX trong thực tiễn
Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2016-2020 khẳng định, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến cuối năm 2020, có 26.040 HTX (tăng 5.625 HTX so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân 3,6%/năm), có 100 liên hiệp HTX và 119.000 THT; thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia HTX, liên hiệp HTX, THT (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước); tăng 4,5% so với năm 2015; số HTX hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số HTX (tăng 3 lần so với năm 2015); số HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015; khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP của cả nước; gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
|
Ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng cao năng suất của các HTX (Ảnh: PV)
|
Nhiều HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, điển hình như: HTX Lâm nghiệp công nghệ cao (tỉnh Phú Yên), HTX nông nghiệp Phước Tín (tỉnh Quảng Ngãi), HTX bò sữa Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh), HTX Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng), HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Liên hiệp HTX vận tải xe buýt Thành phố Hồ Chí Minh...cùng hàng ngàn HTX nông nghiệp, thương mại, vận tải, môi trường, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả. Đó là những minh chứng cho sự thành công của các HTX, liên hiệp HTX kiểu mới, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể, HTX...
Tới đây, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về Hiệp định thương mại tự do; trong đó vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể. Trước tình hình đó, Liên minh HTX Việt Nam, đơn vị chủ thể tập hợp các HTX, tổ hợp tác trong cả nước, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế tập thể, HTX, đó là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Theo đó, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, và địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị để khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình hợp tác xã, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, uỷ thác; kịp thời tháo gỡ những khó khăn của hợp tác xã, phù hợp với cơ chế thị trường; hỗ trợ, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả.
Song song với đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, HTX phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.
Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong cả nước cần trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên; phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhất là phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tính hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, HTX thời kỳ mới
Thực tế thời gian qua đã cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện nhiều loại hình HTX, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả.
Đảng và Nhà nước ta cũng luôn thống nhất cao rằng, kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Do đó, chúng ta phải phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền. Đặc biệt, phải phát triển kinh tế tập thể phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế tập thể, HTX cũng cần tiếp thu kinh nghiệm, ứng dụng linh hoạt, hiệu quả mô hình thành công trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đồng thời, cũng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến kinh tế tập thể, HTX trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật HTX năm 2012 theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thành lập, đăng ký và giải thể HTX… Khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp của thành viên, tài sản chung không chia.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong HTX; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ rào cản, quy định nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các HTX. Tạo điều kiện cho HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn theo hướng “Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP; mô hình HTX quy mô cấp tỉnh, cấp vùng miền, cấp quốc gia theo ngành hàng”.
Đáng chú ý, cần đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh. Trong đó, chú ý tập trung tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX, thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức kinh tế tập thể.
Có thể thấy, phát triển kinh tế tập thể với HTX làm nòng cốt là một chủ trương đúng đắn và nhất quán của Ðảng, Nhà nước. Trải qua nhiều giai đoạn, khung khổ pháp lý cho loại hình kinh tế này từng bước hình thành, khẳng định tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là "hợp tác" trên nguyên tắc thành viên vừa là sở hữu, đồng thời là khách hàng của HTX./.
Lê Anh