Kỳ 3: Thái Bình tạo động lực để phát triển toàn diện

Nông dân Thái Bình thu hoạch lúa.

Nền tảng vững chắc cho tương lai

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Ngô Đông Hải - Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, nhiều năm trở lại đây, bên cạnh những dấu ấn phát triển về kinh tế, tỉnh cũng chú trọng tăng cường sự phát triển trên mọi lĩnh vực và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật trong đó, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường, công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng.

Tỉnh đã tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, khoảng sản cát bảo đảm quy định. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, điều chỉnh, chuyển mục đích sử dụng đất, tạo quỹ đất đáp ứng nhu cầu thực hiện các dự án đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách từ đất phục vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quản lý sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản và quản lý tổng hợp biến được tăng cường. Công tác bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh được chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường được thực hiện kiên quyết, nghiêm minh. Ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn các khu đất ngập nước ngày càng được quan tâm; phòng, chống thiên tai được triển khai tích cực, chủ động theo phương châm “Bốn tại chỗ", thường xuyên củng cố, nâng cấp hệ thống công trình để điều đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, chống bão, lũ.

Song hành với đó, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng, chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học tiếp tục được nâng lên; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xoá mù chữ, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng luôn đứng tốp đầu cả nước. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được củng cố, kiện toàn, đạt chuẩn. Cơ sở vật chất trường, lớp được tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Tỉnh đã tích cực sắp xếp lại các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, bảo đảm ổn định. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề được tổ chức lại, chất lượng đào tạo được nâng lên. Công tác quản lý giáo dục, đào tạo có chuyển biến tích cực. Xã hội hóa giáo dục đạt kết quả tốt. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, phòng học kiên cố, trường học đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ lao động qua đào tạo đều tăng ở mức cao

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ được tăng cường theo hướng gắn với sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được đổi mới. Đầu tư ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học, công nghệ tăng hằng năm. Công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ được tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Lấy con người làm trung tâm

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải thăm nhà máy Sứ Hảo Cảnh. (Ảnh: Báo Thái Bình)
 

Lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, các lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao và phát triển con người của tỉnh những năm gần đây có chuyển biến tích cực. Nhận thức về vai trò của văn hoá được nâng cao, truyền thống văn hoá, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình được chú trọng phát huy nhằm khơi dậy lòng tự hào; động lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ngày càng phát triển sâu rộng, góp phần xây dựng môi trường văn hoá, nếp sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và khu dân cư, phát huy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Đời sống văn hoá của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hoá được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Hoạt động văn học, nghệ thuật có nhiều tiến bộ; nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đạt nhiều giải thưởng của các bộ, ngành Trung ương.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển. Thể thao thành tích cao đạt nhiều huy chương tại các giải thi đấu quốc gia, quốc tế. Chất lượng giáo dục thể chất trong trường học tiếp tục được nâng cao. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao được quan tâm đầu tư phát triển. Xã hội hoá trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được thực hiện có hiệu quả.

Mặt khác, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông được quan tâm đầu tư. Các loại hình báo chí được chú trọng phát triển, nội dung và hình thức ngày càng phong phú, hấp dẫn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị và cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân. Công tác phát triển con người toàn diện và khuyến khích sáng tạo được chú trọng.

Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được tăng cường.

Hệ thống y tế được sắp xếp, kiện toàn, năng lực chuyên môn ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế được quan tâm đầu tư nâng cấp, đầu tư mới đáp ứng yêu cầu xã hội. Công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu y tế được chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân được quan tâm. Chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến và các dịch vụ y tế được nâng lên. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được triển khai thực hiện. Khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế tiếp tục được mở rộng. Công tác quản lý nhà nước về y dược được tăng cường, bảo đảm cung ứng thuốc phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật, quản trị và xử lý chất thải bệnh viện được chú trọng, trình độ, năng lực cán bộ y tế ở các tuyến được nâng lên. Xã hội hóa hoạt động y tế được đẩy mạnh. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em được thực hiện tích cực; giữ vững mức sinh thay thế, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Các chi tiêu phát triển y tế đều ở mức cao so với bình quân chung cả nước.

Công tác bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được chú trọng. Chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các chính sách an sinh và bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác hỗ trợ, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách nhân dịp tết, lễ được quan tâm, duy trì thường xuyên, nền nếp.

Chương trình hỗ trợ người có công, hộ nghèo cải thiện nhà ở; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện có hiệu quả. Riêng trong năm 2020 vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm còn 2,06%, bằng gần một nửa mức bình quân cả nước. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa" và các hoạt động nhân đạo từ thiện được toàn xã hội quan tâm, thực hiện thiết thực, hiệu quả. Công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hỗ trợ, điều trị cai ma túy được chú trọng. Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực doanh nghiệp được bảo đảm theo quy định của pháp luật; số người tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội tăng qua các năm.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của tỉnh là hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đã được mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu. Các hoạt động đối ngoại của địa phương được triển khai đồng bộ, toàn diện. Mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các tinh, thành phố ở các nước có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với nước ta. Thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại nhiều thị trường mới. Số lượng đối tác nước ngoài đến tỉnh làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh liên tục tăng lên. Công tác thông tin đối ngoại được chú trọng, đã góp phần quảng bá hình ảnh, giới thiệu cơ hội đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Phản hồi

Các tin khác