Thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển, lực lượng Cảnh sát biển luôn sát cánh cùng với nhân dân làm ăn trên biển, đặc biệt là các ngư dân. Sự có mặt của lực lượng Cảnh sát biển trên các vùng biển thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Đồng thời, khi ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển sẽ không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; ngư dân là tai mắt để thông báo cho Cảnh sát biển Việt Nam và cơ quan chức năng về tình hình, diễn biến trên biển.
Những kết quả tích cực
Để mô hình đạt hiệu quả, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai mô hình được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển quan tâm, tiến hành chặt chẽ; tăng cường giáo dục, quán triệt tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện. Phương thức thực hiện là lấy đầu mối các hải đội, hải đoàn thuộc Bộ Tư lệnh các vùng Cảnh sát biển kết nghĩa với một xã (huyện) đảo. Theo đó, Hải đội 301 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 triển khai làm trước tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận để rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng; sau đó nhân rộng, triển khai đồng loạt tại 4 Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển. Đến năm 2019, mô hình đã được triển khai tại 13 xã (huyện) đảo trên địa bàn 11 tỉnh, thành ven biển trong cả nước.
Về tổ chức hoạt động, trước thực tế các xã (huyện) đảo là những địa bàn biệt lập với đất liền, nhân dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề ngư nghiệp; đảo có âu tàu để cung cấp hậu cần nghề cá cho tàu cá về neo đậu, tránh trú bão; đời sống của đại đa số nhân dân và ngư dân trên đảo còn khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhất là việc tranh chấp ngư trường, vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản, sử dụng thuốc nổ, hóa chất khai thác hải sản mang tính tận diệt... Bởi vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo được lực lượng Cảnh sát biển xác định là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai mô hình.
Các đơn vị theo nhiệm vụ được phân công đã bám sát hướng dẫn của cấp trên, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã (huyện) đảo xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm địa bàn. Với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy tư vấn làm trọng tâm, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân làm mục đích, lực lượng Cảnh sát biển đã tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi, bám biến đánh bắt hải sản; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động nhân đạo; giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, làm sạch bờ biển…Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo; kịp thời phát hiện, thông tin tình hình trên biển cho Cảnh sát biển và lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Điểm đáng chú ý, tại Hội nghị sơ kết 2 năm (2017 - 2019) thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã báo cáo, xin ý kiến và được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đồng ý và trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký kết Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” với Ban Thường vụ của 10 tỉnh, thành ủy (Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang). Như vậy, từ mô hình đã hình thành Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Đây là sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, nội dung, hình thức thực hiện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội đã ký kết để Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân mang tính pháp lý, lâu dài, bền vững.
Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” xác định thực hiện các nội dung chính: Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho nhân dân trong đó có ngư dân; phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển; giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện chương trình; kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm của các năm trước, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy để xây dựng kế hoạch thực hiện làm cơ sở để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trọng điểm thực hiện chương trình trong toàn lực lượng; qua đó đảm bảo tính thống nhất, đồng hộ, toàn diện, có chiều sâu, đồng đều giữa các tháng trong năm, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm và điểm nhấn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc triển khai thực hiện Chương trình đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đạt được những kết quả bước đầu. Các đơn vị trong lực lượng đã tuyên truyền về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho trên 11.000 lượt người, phát 22.000 tờ rơi. Các tổ, đội đã tổ chức tuyên truyền cho 4.660 ngư dân tại các âu tàu, bến cảng; 36 tàu cá/200 ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển, phát 4.750 tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU; đã bàn giao 1 nhà “Đại đoàn kết”; tặng hơn 4.000 suất quà, 2.000 cờ Tổ quốc, 100 áo phao, 40 túi thuốc cho ngư dân; tặng 228 cặp sách, 200 bộ đồng phục, 10 xe đạp, 20 suất học bổng cho các cháu học sinh nghèo học giỏi; 45.190 khẩu trang các loại, 6.811 chai nước rửa tay sát khuẩn để phòng chống dịch COVID-19; hỗ trợ 13.700kg gạo; gần 4.000m3 nước ngọt, 1.100 bình nước uống loại 20 lít, 50 téc nước; đồng thời, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 lượt ngư dân... với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng.
Về tổng thể, sau 3 năm thực hiện, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã tuyên truyền cho hơn 10.300 lượt nhân dân trên các xã (huyện) đảo và ngư dân ở các tỉnh, thành ven biển trong cả nước về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình biển, đảo, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển. Tuyên truyền cho ngư dân gắn việc đánh bắt hải sản với bảo vệ tài nguyên, môi trường, không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự, an toàn biển, đảo. Theo nội dung ký kết phối hợp, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên các địa bàn đã ủng hộ, tài trợ được trên 15 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động an sinh, xã hội, như: thăm, tặng quà cho 5.550 gia đình chính sách, ngư dân nghèo; tặng 145 xe đạp và 478 học bổng cho 623 học sinh nghèo vượt khó, nhận đỡ đầu 20 cháu học sinh nghèo học giỏi đến năm 18 tuổi với số tiền 500.000 đồng/tháng; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 1.860 lượt ngư dân; tặng ngư dân tủ thuốc và các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm có giá trị…
Một số bài học kinh nghiệm
Tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình “Cảnh sát biến đồng hành với ngư dân” trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xác định lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển phối hợp với Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức trong triển khai thực hiện, phù hợp với chức năng nhiệm vụ và đặc điểm của lực lượng Cảnh sát biển. Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân không vi phạm quy định về khai thác IUU. Vận động sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp về vật chất, kinh phí để thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ven biển. Đồng thời, gắn kết quả thực hiện chương trình với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Cảnh sát biển; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh của từng đơn vị.
Từ kết quả triển khai thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, theo Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về vai trò, vị trí công tác dân vận; về ý nghĩa, nội dung của Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của người chỉ huy các cấp, đồng thời phát huy tốt vai trò của cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ dân vận trong tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Hai là, mô hình công tác dân vận phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của mỗi đơn vị và gắn với đối tượng tác động và thụ hưởng. Trong quá trình thực hiện cần khảo sát kỹ, thống nhất chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các nội dung hoạt động, phân công rõ trách nhiệm. Thường xuyên đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức hoạt động, bám sát thực tiễn của địa phương và nhân dân; lựa chọn đơn vị làm trước để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Thường xuyên làm tốt công tác biểu dương, phê bình, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Ba là, để Chương trình triển khai lâu dài, bền vững, cần huy động được nguồn lực xã hội. Bên cạnh việc tiếp cận, giới thiệu, vận động hỗ trợ, nên mời trực tiếp đại biểu tham dự các hoạt động trọng điểm, đơn vị sẽ làm “cầu nối” để đại biểu được trực tiếp “mắt thấy”, “tai nghe”, đồng cảm với cán bộ, chiến sĩ, chia sẻ với nhân dân qua các hoạt động trực tiếp trao tặng món quà của mình đến tận tay ngư dân. Chính những đại biểu đó sẽ tích cực tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể tiếp tục cùng đồng hành với chương trình. Đồng thời cần phối hợp tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông, các báo, đài Trung ương và địa phương để tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tốt trong xã hội…
Hồng Vân