Khó tiếp cận vốn và đất đai
Không phủ nhận HTX đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là thành viên nông nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế HTX chậm, thiếu ổn định; một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Có một thực tế là các HTX gần như không tiếp cận được đất đai dù nhu cầu thực tế rất lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng nhiều khó khăn.
Theo quy định của Luật HTX năm 2012, Nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ đối với HTX, Liên hiệp HTX gồm: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; thành lập mới HTX, liên hiệp HTX.
Hai chính sách ưu đãi: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; ưu đãi lệ phí đăng ký HTX, Liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Riêng đối với HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định nêu trên, còn được hưởng 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai; ưu đãi về tín dụng; vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chế biến sản phẩm.
Nhưng, công tác triển khai còn rất nhiều hạn chế. Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như: chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như: chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm…
Thậm chí, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu, tài sản thế chấp vay ngân hàng không đủ điều kiện thì tư tưởng của một bộ phận thành viên HTX nông nghiệp chuyển đổi còn tư duy nhỏ lẻ, giữ đất… làm kìm hãm sự phát triển của HTX, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường, chưa phát huy được tiềm năng.
Thêm vào đó, nhiều HTX nông nghiệp chuyển đổi đã có đất nhưng chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với HTX nông nghiệp đến hết năm 2020. Tại Điều 20, Khoản A quy định HTX thuê đất để sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh được giảm 50% tiền thuê đất nhưng chỉ đối với các dự án mới còn các dự án kiểu cũ đều không được giảm. Hiện nay, Luật Phí và Lệ phí chưa quy định HTX là đối tượng được miễn giảm.
|
Ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng phổ biến trong các HTX hiện nay. (Ảnh: HNV)
|
Ưu tiên khoa học công nghệ cùng với nâng giá trị theo chuỗi
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số trở thành một trong những xu hướng phát triển tất yếu, để không bị đứng ngoài "cuộc chơi", các HTX cũng từng bước đổi mới, mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, các HTX còn phải quan tâm tới việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Qua tìm hiểu và khảo sát các HTX đang hoạt động hiệu quả hiện nay, có thể thấy, mô hình tổ chức KTTT ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững đang trở thành phương thức hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, đây sẽ vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực KTTT, HTX phải năng động, sáng tạo hơn nhằm nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế của nước ta.
Nâng cao năng lực thích ứng...
Về lâu dài, việc áp dụng kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sẽ là một đòn bẩy quan trọng giúp khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững. Trước mắt, áp lực cạnh tranh hàng hóa chắc chắn diễn ra gay gắt hơn, buộc các HTX phải đối mặt và tìm hướng giải quyết phù hợp càng sớm càng tốt.
|
Xu hướng liên kết, hợp tác trong các HTX kiểu mới ngày càng trở nên phổ biến. (Ảnh: HNV)
|
Đáng chú ý, bước sang giai đoạn 2021 - 2030, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho khu vực KTTT, HTX, đòi hỏi phải tự thay đổi phương thức hoạt động để phù hợp yêu cầu, tận dụng tối đa lợi thế phát triển trong tất cả các lĩnh vực. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương, tới đây, các HTX có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ xát và nâng cao năng lực, cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới.
Song song với đó, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế sẽ ngày càng tăng cao. Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo thách thức nếu không thích ứng kịp với tình hình mới và bị tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ, nhất là khi vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh ở tất cả các quốc gia trên thế giới…
Khu vực KTTT, HTX cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, phải đối mặt, giải quyết vấn đề về chất lượng và cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ cho nên khâu kiểm soát sau thu hoạch còn yếu, thông tin về thị trường chưa cập nhật đầy đủ... Do vậy, để phát triển khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững với nhiều cơ hội và thách thức của kinh tế thị trường, đòi hỏi phải tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX, xác định rõ phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX; tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam…
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do biến đổi khí hậu và dịch bệnh gây ra, Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đề xuất, cần thực thi các chính sách thích ứng biến đổi khí hậu theo các loại hình HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, xây dựng... Nâng cao năng lực quản trị HTX về quản lý các loại tài nguyên, giảm thiệt hại bão, lũ… lồng ghép vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, tổ hợp tác. Xây dựng, nhân rộng mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu, giảm rủi ro.
Quan trọng hơn cả là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập toàn diện, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giải pháp liên kết, hợp tác là rất cần thiết. Việc hình thành các chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp (DN) đóng một phần quan trọng, quyết định đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy, phần lớn các mô hình liên kết, hợp tác đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất - HTX - DN - thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên HTX và người lao động trong DN.
Hợp tác, liên kết sẽ giúp tăng sức mạnh cho các chủ thể tham gia. Cơ hội hiện nay rất nhiều, nhưng chỉ đến khi các thành phần kinh tế năng động, biết chớp thời cơ hành động. Tuy nhiên, cũng không phải HTX nào cũng có thể dễ dàng hợp tác với DN, người dân và các đơn vị xuất khẩu. Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, hiện, liên kết giữa HTX và các tác nhân trong chuỗi giá trị còn chưa bền vững. Chưa kể, các HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn chung là năng lực quản trị, điều hành, tổ chức sản xuất để tạo ra nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, tìm kiếm thị trường của đội ngũ lãnh đạo các HTX còn nhiều hạn chế; nguồn lực tài chính của HTX còn khó khăn, yếu thế trong mối liên kết, hợp tác. Do đó, để biến thách thức thành cơ hội, cần đẩy mạnh hợp tác, cùng phát triển./.
Lê Anh