TP Hồ Chí Minh nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Sở Xây dựng TP.

Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Sở Xây dựng TP.

(Ảnh: https://hcmcpv.org.vn)

Kế hoạch nhằm mục tiêu khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp tự hoàn thiện để có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của TP. Hồ Chí Minh theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phấn đấu giai đoạn 2021-2025, TP Hồ Chí Minh đứng trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đồng thời trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Thông tin trên được ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết khi báo cáo tham luận tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) hướng tới xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Tuấn, kế hoạch này tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của các nhóm chỉ số thành phần sau: Nhóm các chỉ số có điểm số trên trung vị của cả nước và nhóm các chỉ số có điểm số dưới trung vị của cả nước.

Trong đó, nhóm các chỉ số có điểm số trên trung vị của cả nước gồm 6 chỉ số: Tiếp cận đất đai (đứng thứ hạng 32 với 6,66 điểm/điểm trung vị cả nước là 6,66 điểm), Chi phí thời gian (đứng thứ hạng 24 với 8,04 điểm/điểm trung vị cả nước là 7,71 điểm), Chi phí không chính thức (đứng thứ hạng 27 với 6,71 điểm/điểm trung vị cả nước là 6,62 điểm), Cạnh tranh bình đẳng (đứng thứ hạng 25 với 6,69 điểm/điểm trung vị cả nước là 6,59 điểm), Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp (đứng thứ hạng 18 với 6,55 điểm/điểm trung vị cả nước là 5,91 điểm), Đào tạo lao động (đứng thứ hạng 9 với 7,12 điểm/điểm trung vị cả nước là 6,52 điểm).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số này có tăng điểm nhưng tăng không đánh kể so với các tỉnh thành khác nên nằm giữa bảng xếp hạng. Chỉ số Tiếp cận đất đai tăng 1,22 điểm (từ 5,45 năm 2016 lên 6,66 điểm năm 2020), Chỉ số Chi phí thời gian tăng 1,8 điểm (từ 6,24 năm 2016 lên 8,04 điểm năm 2020), Chỉ số Chi phí không chính thức tăng 1,97 điểm (từ 4,74 năm 2016 lên 6,71 điểm năm 2020), Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 2,56 điểm (từ 4,13 năm 2016 lên 6,69 điểm năm 2020), Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp giảm 0,27 điểm (từ 6,82 năm 2016 thành 6,55 điểm năm 2020), Chỉ số Đào tạo lao động duy trì 7,12 điểm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các chỉ số này: Xây dựng Quy chế phối hợp đảm bảo liên thông trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, về đất đai, xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên địa bàn TP. Xây dựng, công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo từng giai đoạn; danh mục các dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn. Công khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định thủ tục hành chính thuộc thẩm quyển tiếp nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và trên trang thông tin điện tử. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo Danh mục đã được phê duyệt. Thực hiện ngay việc công khai công tác quy hoạch, kế hoạch của TP, hướng dẫn chi tiết việc tham chiếu các văn bản luật và quy định của các cấp từ Trung ương cho tới địa phương, đảm bảo người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận văn bản pháp luật một cách dễ dàng...

Nhóm các chỉ số có điểm số dưới trung vị của cả nước gồm 4 chỉ số: Tinh minh bạch (đứng thứ hạng 42 với 5,68 điểm/điểm trung vị cả nước là 5,85 điểm), Gia nhập thị trường (đứng thứ hạng 59 với 6,81 điểm/điểm trung vị cả nước là 7,81 điểm), Tính năng động (đứng thứ hạng 43 với 6,07 điểm/điểm trung vị cả nước là 6,37 điểm), Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (đứng thứ hạng 46 với 6,35 điểm/điểm trung vị cả nước là 6,80 điểm).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số này nằm trong nhóm gần cuối bảng xếp hạng so với các tỉnh thành khác. Điểm số có sự tăng giảm điểm cụ thể: Chỉ số Tính minh bạch giảm 0,82 điểm (từ 6,50 năm 2016 thành 5,68 điểm năm 2020), Gia nhập thị trường giảm 1,18 điểm (từ 7,99 điểm năm 2016 thành 6,81 điểm năm 2020), Chỉ số Tính năng động tăng 1,89 điểm (từ 4,17 năm 2016 lên 6,07 điểm năm 2020), Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự tăng 2,21 điểm (từ 4,25 năm 2016 lên 6,35 điểm năm 2020).

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP cần tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau: xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục kiến nghị hoàn thiện phần mềm hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Phấn đấu số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử đạt tỷ lệ tử 93% trở lên; nâng cấp, xây dựng Chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến với mục tiêu tỷ lệ đăng ký đầu tư qua mạng điện tử đạt hơn 40%.

Phát hành Sổ tay đầu tư theo các quy định mới của Luật Đầu tư năm 2020 và pháp luật khác có liên quan. Công khai quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan công quyền để người dân, doanh nghiệp có thể kiểm soát tiến độ thực hiện các thủ tục, vướng mắc và trách nhiệm của người thụ lý. Thường xuyên thực hiện công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn TP. Tổ chức hội nghị đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp TP, các Hội ngành nghề, các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2 lần/năm để lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.

Tập trung đánh giá, nắm chắc tình hình địa bàn cơ sở và đề ra các phương hướng, giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Nhanh chóng hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, vi phạm pháp luật được trình báo. Nâng cao chất lượng xét xử các loại án; đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự để tăng lòng tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, qua đó doanh nghiệp có thể lựa chọn cơ quan tòa án và trọng tài để giải quyết các tranh chấp./.

Phản hồi

Các tin khác