Lợi ích của nhân dân là trên hết

Những ngày gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ ta chậm chễ trong việc tìm kiếm nguồn vắc xin COVID-19, trong khi các nước châu Âu đã đạt miễn dịch cộng đồng, thì chúng ta lại đang phải vật lộn với đợt dịch thứ 4 với xấp xỉ 5000 ca chỉ trong vòng 1 tháng.

Ngoài ra, họ còn cho rằng, Chính phủ đã tạo cơ chế độc quyền, lợi ích nhóm, không cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia mua, người dân thường không tiếp cận được với vắc xin… Những người đang nêu những ý kiến trái chiều đó có thể chưa hiểu được, hoặc “cố tình” không hiểu những cố gắng, nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc khống chế dịch, tìm kiếm nguồn vắc xin cũng như cách điều phối sao cho hợp lý nhất nguồn vắc xin này.

Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết

Như chúng ta đã biết, ngay từ khi các hãng dược phẩm lớn công bố đã sản xuất được vắc xin COVID-19, giống như nhiều nước khác, Chính phủ ta đã rất quan tâm đến việc khuyến khích sản xuất trong nước và tìm nguồn mua, Bộ Y tế Việt Nam đã nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất để giành quyền được mua vắc xin. Việc này cũng đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho báo chí biết sau cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/1/2021. Thứ trưởng Cường cho biết, Việt Nam đang đàm phán mua vắc xin AstraZeneca với Anh; vắc xin Pfizer với Mỹ và vắc xin Sputnik V với Nga. Tuy nhiên, việc đàm phán vô cùng khó khăn do nguồn cung không đủ cầu, và các nước cũng ưu tiên sử dụng ở quốc gia mình trước.

Dự kiến quý IV năm nay sẽ có một lượng vắc xin rất lớn được nhập khẩu về.
            (Ảnh minh họa: Bộ Y tế)

Dự kiến quý IV năm nay sẽ có một lượng vắc xin rất lớn được nhập khẩu về. (Ảnh minh họa: Bộ Y tế)

Tiếp đó, với mong muốn nhanh chóng có vắc xin, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021, chỉ đạo Bộ Y tế là đầu mối cấp phép nhập khẩu vắc xin, khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước.

Việc phân công Bộ Y tế là đầu mối bởi Bộ phải là cơ quan thẩm định về chất lượng thuốc, các vắc xin nhập về và tiêm cho người dân phải được Bộ Y tế cấp phép, cấp số đăng ký và các lô vắc xin, vắc xin nhập về phải có hồ sơ chứng thực xuất xứ, chất lượng. 

Hơn nữa, do nhu cầu quá lớn của cả thế giới, đã có tình trạng “lừa đảo vắc xin”, và Bộ Y tế phải phòng trừ trường hợp này. Qua việc nắm bắt thông tin, hồi đầu tháng 3, Bộ Y tế đã cảnh báo các hành vi “lừa đảo vắc xin” COVID-19 gồm tự nhận là đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc xin và tuyên bố sở hữu hoặc có quyền tiếp cận vắc xin để mời chào bán vắc xin; chào bán số lượng lớn vắc xin, cung cấp một lượng hàng mẫu để ký kết, nhận tiền đặt cọc và sau đó chiếm dụng; hoặc cung cấp các lô vắc xin phòng COVID-19 giả mạo. Do đó, nếu không cẩn trọng thì sẽ gây thiệt hại rất lớn đến sức khỏe của nhân dân và nền kinh tế của đất nước.

Việc mua vắc xin cũng không hề dễ dàng, bởi một số nước giàu có, có năng lực sản xuất vắc xin mới chỉ phê chuẩn và bắt đầu đưa vắc xin tiêm đại trà từ tháng 12/2020, nhưng lượng vắc xin cũng rất hạn chế; các nước sản xuất được vắc xin đều bắt buộc doanh nghiệp tạm dừng các hoạt động xuất khẩu để ưu tiên nhu cầu trong nước cho đến khi nhu cầu được đáp ứng. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nước ta chỉ có 27 công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vắc xin mới được nhập khẩu vắc xin. Bên cạnh đó, các hãng dược phẩm sản xuất cũng chỉ bán vắc xin cho các đơn vị, ngoài tiền ra, phải có đủ hồ sơ năng lực có nhiều điều khoản, trong đó có năng lực bảo quản, phân phối và chiến lược tiêm chủng.

Trong giai đoạn này, chỉ có 1 doanh nghiệp dám đứng ra mua vắc xin do những rủi ro về tiền đặt cọc, về chất lượng thuốc…

Bất kể loại vắc xin nào cũng đều gây ra những phản ứng, sự cố không mong muốn, thậm chí có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong. Với Chính phủ , tính mạng của người dân được đặt cao hơn hết, nên việc dành thời gian theo dõi các tác dụng phụ tiềm ẩn và cẩn trọng trước loại vắc xin mới hoàn toàn là điều dễ hiểu. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều nước trong giai đoạn này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a. Chúng ta bỏ tiền ra để mua sự an toàn, chứ không thể để mua sự rủi ro kiểu “tiền mất tật mang”, không thể để mọi nỗ lực đổ xuống sông xuống biển bởi sự vội vàng. Do đó, những bước đi của Chính phủ, của ngành Y tế là hoàn toàn thích hợp trong giai đoạn này.

Và cũng phải khẳng định, trong giai đoạn bắt đầu này, rất nhiều người dân có tâm lý hoài nghi, e ngại đối với vắc xin COVID-19. Chính vì đó, những đối tượng được tiêm ở giai đoạn đầu cũng phải được giải thích cặn kẽ tác dụng phụ khi tiêm và tham gia tiêm với tinh thần tự nguyện, xung phong. Chúng ta, những người chưa và sắp được tiêm vắc xin, phải cảm ơn họ - những người đi đầu -  đã mang lại sự yên tâm, tự tin khi tiếp cận với loại vắc xin mới này.

Áp dụng “biện pháp đặc biệt” để tiếp cận nguồn cung vắc xin

Do số lượng vắc xin nhập về của chúng ta vô cùng hạn chế, Chính phủ phải tính toán dựa trên khuyến nghị của quốc tế về vị trí ưu tiên tiêm vắc xin, đảm bảo nguyên tắc tiếp cận công bằng, trong đó đặc biệt chú ý đến nhóm người có nguy cơ cao. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về những đối tượng ưu tiên tiêm, và cũng theo tình hình thực tế, Chính phủ đã có những điều chỉnh hợp lý và đầy tính nhân văn. Điều này được minh chứng bởi việc triển khai hàng vạn mũi tiêm cho công nhân ở Bắc Giang mấy ngày qua.

Dự kiến quý IV năm nay sẽ có một lượng vắc xin rất lớn được nhập khẩu về.
            (Ảnh minh họa: Bộ Y tế)

Việc tiêm vắc xin đảm bảo nguyên tắc tiếp cận công bằng .

Đến nay, tác dụng của việc tiêm vắc xin COVID-19 đã được khẳng định, người dân đã sẵn lòng tự nguyện và mong muốn được tiếp cận với vắc xin, do đó trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 31/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu "Cần tìm mọi giải pháp để có vắc xin sớm nhất. Mọi vướng mắc phải được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ phải được hướng dẫn ngay".  

Theo đó, đảm bảo tất cả những doanh nghiệp nào có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vắc xin sớm nhất. Tất cả các vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu. Đối với những vắc xin Tổ chức Y tế  Thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay. Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp bằng cách xử lý ngay khi có hồ sơ và nếu hợp lệ thì tối đa 5 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 , tiếp nhận sự ủng hộ của mọi tổ chức, cá nhân để có nguồn tiền hỗ trợ, tài trợ hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Ngoài ra, Chính phủ cũng tính đến việc ưu tiên cho doanh nghiệp khi ủng hộ vào quỹ này trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tiếp cận công bằng.

Chương trình tiêm miễn phí cho mỗi người theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế và vắc xin dịch vụ theo nhu cầu và khả năng chi trả của một bộ phận nhân dân đã được quyết định. Theo dự kiến, quý IV năm nay sẽ có một lượng vắc xin rất lớn được nhập khẩu về với mong muốn sẽ tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào chính sách điều hành quyết liệt, bài bản, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết của Chính phủ. Việc của mỗi người dân chúng ta là yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp chống dịch của Chính phủ, và mỗi người cần tuân thủ nghiêm túc quy tắc 5K của Bộ Y tế và thông báo của ngành Y tế địa phương, tích cực ủng hộ sức người, sức của vào công tác phòng, chống dịch, cùng đoàn kết chung tay đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

 

Phản hồi

Các tin khác