|
Công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, giải quyết đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định, tạo điều kiện giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
|
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tương đối nghiêm các quy định của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, chất lượng, tiến độ giải quyết công việc, thái độ phục vụ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, được Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá, ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh còn lơ là, chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước trong các cơ quan, địa phương, đơn vị; Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32/2006/CT-TTg ngày 7/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang chấp hành và sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định pháp luật, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; tiếp tục thực hiện quy định không uống rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách; đồng thời, hạn chế uống rượu bia trong các ngày nghỉ nhằm đảm bảo sức khỏe, uy tín trong sinh hoạt xã hội…
Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân công công việc cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc thi hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc; gắn kết quả thực hiện Chỉ thị này với công tác đánh giá chất lượng, bình xét thi đua, khen thưởng của cơ quan, địa phương, đơn vị.
Đối với những vị trí công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý thị trường... phải không ngừng thực hiện cải cách hành chính, công khai quy trình, thủ tục, hồ sơ, bộ phận có trách nhiệm giải quyết; bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất phù hợp với nhiệm vụ được giao; trong thực thi nhiệm vụ, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, giải quyết đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định, tạo điều kiện giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị phải gương mẫu đi đầu trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở; tăng cường công tác quản lý và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về hiệu quả sử dụng thời gian làm việc và việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị phụ trách.
Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, tích cực tham gia phát hiện và góp ý, phê bình trước công luận những hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính...
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên kiểm tra (định kỳ, đột xuất) việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; căn cứ kết quả kiểm tra, tham mưu, đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tập thể vi phạm; đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.../.
Hà Vy