Kỳ V: Đường thủy quyết tâm phát triển toàn diện

Cảng nội địa trong khu Cảng quốc tế Đình Vũ (Hải Phòng).

Hết mình vì sự bình yên của nhân dân

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Đảng ủy Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, bên cạnh những nhiệm vụ trọng yếu của hình thái giao thông quốc gia, Đảng ủy Cục xác định rõ những trọng tâm thiết yếu để ĐTNĐ đạt được phát triển toàn diện, thực chất và bền vững.

Nổi bật trong đó, công tác đảm bảo trật tự ATGT, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục tăng cường trong những năm tới đây. Trước mắt, trong năm 2021, công tác đảm bảo trật tự, ATGT ĐTNĐ, mục tiêu chung là giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên ĐTNĐ;…

Đặc biệt là tiếp tục chỉ đạo các Sở GTVT, các cơ quan hữu quan các địa phương, UBND các phường, xã ven sông có tuyến ĐTNĐ đi qua tham gia vào việc đăng ký phối hợp và duy trì thực hiện mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy với bình yên sông nước”; tăng cường tuyên truyền tin tức về ATGT đường thủy thông qua việc sử dụng hệ thống truyền thông tại các phường, xã, thị trấn đưa chương trình giáo dục, tuyên truyền pháp luật giao thông ĐTNĐ đến các trường học;…

Trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Quyết định và Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ GTVT; tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, bão lũ. Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT ĐTNĐ trong mùa mưa, lũ. Kịp thời chỉ đạo triển khai công tác điều tiết khống chế, chống va trôi trong mùa lũ, bảo tại các vị trí trọng điểm, nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quân và giảm chi phí hỗ trợ thiệt hại do bão lũ gây ra.

“Số hóa” gắn với phát triển bền vững

Trong công tác khoa học công nghệ (KHCN), môi trường, Cục sẽ hoàn thiện ban hành tiêu chuẩn bảo trì ĐTNĐ và tiêu chuẩn khảo sát thông báo luồng để áp dụng thực hiện kịp thời. Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng, chuyển đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ đáp ứng yêu cầu thực tế, tăng cường kiểm tra việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, quy trình công nghệ mới.

Đặc biệt là tập trung hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, trong đó tập trung cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung (hạ tầng, phương tiện, thuyền viên); Hoàn thiện xây dựng, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý phao báo hiệu đưa vào áp dụng. Nghiên cứu bố trí nguồn để đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì hệ thống phần mềm phục vụ quản lý mới đáp ứng nhiệm vụ Chính phủ, Bộ GTVT giao.

Mặt khác, Cục cũng duy trì, quản lý nâng cấp hệ thống phần mềm văn phòng điện tử, chữ ký số, phần mềm nghiệp vụ cảng bến, quản lý hạ tầng, báo cáo trực tuyến, tiếp tục cập nhật dữ liệu chứng chỉ chuyên môn, thuyền viên, phần mềm thiết bị giám sát ATS. Tập trung hoàn thiện để phê duyệt Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch giao thông ĐTNĐ. Hoàn thiện ban hành Tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường. Chủ động thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường các công trình không thường xuyên (nạo vét, thanh thải vật chướng ngại bảo đảm an toàn giao thông).

Cục cũng tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực cảng, bến thuỷ nội địa, các dự án đầu tư xây dựng, hoạt động nạo vét. Chỉ đạo, đôn đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực tăng cường kiểm tra, nhắc nhở chủ doanh nghiệp cảng, bến, cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thực hiện quy định về bảo vệ môi trường (lập đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu,...). Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cảng, bến thủy nội địa tại miền Bắc, miền Nam và miền Trung; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các dự án chuẩn bị triển khai thi công theo kế hoạch của Bộ GTVT.

Ngoài ra, Cục chú trọng tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhà đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát về môi trường trong hoạt động nạo vét luồng ĐTNĐ. Phối hợp với Ban QLCDA đường thủy, đôn đốc tư vấn lập báo cáo, kế hoạch bảo vệ môi trường của các công trình nạo vét năm 2021 đảm bảo đúng quy định và tiến độ thực hiện; thông báo các địa phương công khai kế hoạch bảo vệ môi trường các dự án.

Vươn ra thế giới

Lãnh đạo Đảng ủy Cục ĐTNĐ Việt Nam chia sẻ, hợp tác quốc tế được xem là một trong những “lực đẩy” quan trọng để ĐTNĐ VN phát triển. Để tăng năng lực trong công tác này, Cục tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực có thể mạnh về vận tải thủy như Bỉ, Hà Lan, Úc, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật,... nhằm tạo điều kiện phát triển vận tải thủy; chủ động, tích cực tham gia Hiệp hội Vận tải thủy quốc tế PIANC, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển vận tải thủy, tiến bộ KHCN của các nước tiên tiến trong lĩnh vực vận tải thủy; tiếp tục hợp tác chặt chẽ và tham gia các hoạt động hợp tác về GTVT thủy trong Khối ASEAN, nhóm công tác ASEAN hàng hải MTWG,...

Triển khai thực hiện các hợp tác cụ thể trong Ý định thư giai đoạn 2020-2022 đã ký với Bộ Giao thông công chính vùng Flanders, Bỉ; đẩy mạnh công tác hợp tác về đào tạo để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức Cục, mở rộng tạo cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Bỉ và các doanh nghiệp trong nước; tiếp tục là cơ quan đầu mối phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan, các đối tác Chương trình PIB VINWAP để thực hiện các nghiên cứu về phát triển vận tải thủy và cảng biển với Hà Lan theo bản thỏa thuận đã ký. Triển khai nhiệm vụ Hợp tác với Mỹ để ký bổ sung với Cục ĐTNĐ Việt Nam về lĩnh vực ĐTNĐ.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với tư vấn Chương trình Aus4Transport và các cơ quan liên quan để triển khai các bước tiếp theo của Dự án về xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp hỗ trợ đầu tư giao thông ĐTNĐ từ nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Australia; của Ngân hàng Thế giới triển khai hỗ trợ về xây dựng mẫu hợp đồng dựa trên kết quả đầu ra cho công tác bảo trì hệ thống giao thông thủy.

Đặc biệt, Cục sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị lần thứ 1 thành lập Ủy ban liên hợp để triển khai Hiệp định Bắc Luân lần thứ nhất, tiến hành khảo sát, phối hợp với phía bạn xây dựng phương án lắp đặt biển báo hiệu nhằm đảm bảo ATGT cho tàu thuyền đi lại trong khu vực; thực hiện các nhiệm vụ thường niên của Hiệp định vận tải thủy Việt Nam - Campuchia; xây dựng chương trình dự kiến triển khai nhiệm vụ chủ trì hỗ trợ Chính phủ Lào xây dựng khung pháp lý, chính sách về giao thông thủy; triển khai thực hiện Dự án Hải hòa hóa, Hợp tác Mekong - Lan Thương ngay khi tiếp nhận nguồn vốn Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương.

Chuyển biến về nội lực

Công tác tổ chức cán bộ, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính cũng được Đảng ủy Cục ĐTNĐ Việt Nam đặc biệt chú trọng. Trong đó tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy; tiếp tục tham mưu kiện toàn các chức danh lãnh đạo của các phòng tham mưu và các đơn vị trực thuộc đảm bảo hoạt động hiệu quả; triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong toàn Cục; triển khai thực hiện công tác kiểm điểm, đánh giá phân loại công chức, viên chức hàng năm theo quy định; triển khai thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập hàng năm theo quy định; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hồ sơ nhân sự trong toàn Cục.

Cùng với đó là bổ sung và hoàn thiện các chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của công chức, viên chức; Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT ĐTNĐ; tiếp tục thực hiện đề án tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm được Bộ Nội vụ phê duyệt; đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Cục, thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và công tác quản lý của cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai kế hoạch đào tạo đối với các công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ (Cảng vụ, Thanh tra chuyên ngành, tìm kiếm cứu nạn, ...), nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn trong Cục; thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với cán bộ cơ quan Cục và các đơn vị thuộc Cục; hoàn thiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành ĐTNĐ. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành công tác cải cách hành chính, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của từng nội dung cải cách hành chính để chỉ đạo tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt (06 nội dung: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, hiện đại hóa nền hành chính).

Trong công tác thanh tra, kiểm tra; phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Cục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành chính sách, pháp luật của các đơn vị thuộc Cục; đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, công tác tổ chức, quản lý, thực hiện dự án. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo ATGT, bảo vệ KCHTGT ĐTNĐ. Triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 của Bộ GTVT và Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Cục,… với tinh thần bảo đảm tiến độ, chất lượng và đúng quy định.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cũng được thực hiện với tinh thần giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng đơn thư, vụ việc theo đúng quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, phát hiện và xử lý triệt để các vi phạm.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và phổ biến pháp luật; nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thanh tra viên, cảng vụ viên; tăng cường kiểm tra nội bộ và xử lý nghiêm đối với những đơn vị, cá nhân có hành vi sai phạm, tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ; tổ chức hợp lý việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ quản lý, thanh tra viên, cảng vụ viên; kịp thời khen thưởng các tổ chức, các nhân có thành tích tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm khắc những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, gây rối nội bộ, làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ quan, đơn vị.

Phản hồi

Các tin khác