Phương Nam (Quảng Ninh) hỗ trợ nông dân trồng vải nâng cao giá trị gia tăng
Vải chín sớm Phương Nam (Nguồn: quangninh.gov.vn)

Phương Nam là phường xa trung tâm thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có 13.337 nhân khẩu với 3.336 hộ, với tổng diện tích đất tự nhiên là 2172,49 ha trong đó đất nông nghiệp là 1.070,84 ha. Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam Bùi Văn Trà, trước năm 2012, trên 95% số hộ nông dân ở đây sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, toàn phường lúc đó chỉ có 225 ha trong vải, chủ yếu là giống bản địa và được trồng theo kinh nghiệm truyền thống, năng suất không cao. Để tạo điều kiện giúp nông dân phường tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng giống vải lai chín sớm và xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập, khắc phục tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, tháng 3/2012, Hội Nông dân phường Phương Nam đã lập Dự án “Trồng vải chín sớm Phương Nam” và được Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt hỗ trợ 300 triệu đồng cho 10 hộ vay trong thời gian 36 tháng.

Quá trình thực hiện dự án, Hội Nông dân đã tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật về quy trình kỹ thuật trồng vải và trao đổi trực tiếp đầu bờ; hàng tháng họp chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ năng kinh doanh, kỹ năng phát triển thị trường giữa các hộ dân. Từ mô hình đã giúp cây vải giữ được những đặc tính vốn có, chất lượng tốt, từng bước mang lại hiệu quả và thu nhập cao cho người dân. Hiệu quả bước đầu của mô hình đã góp phần tạo tiền đề để UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý giao cho Hội Nông dân phường Phương Nam là đơn vị đại diện triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam cho sản phẩm vải của thành phố Uông Bí”. Sau 2 năm triển khai dự án, phường Phương Nam đã quy hoạch được vùng sản xuất vải chín sớm với diện tích khoảng 300 ha với 168 hộ hội viên nông dân tham gia.

Với việc Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký “Nhãn hiệu tập thể vải chín sớm Phương Nam" do Hội Nông dân làm chủ sở hữu, sản phẩm vải chín sớm đã có bao bì đóng gói, nhãn mác đầy đủ, từ đó nâng cao thương hiệu, giá trị, ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm vải Phương Nam tạo dựng được hình ảnh, tên tuổi trên thị trường, từ đó có hướng phát triển ổn định hơn...Nếu như năm 2013, sản lượng vải chín sớm Phương Nam đạt 500 tấn, đạt tổng doanh thu 12,5 tỷ đồng, thì đến năm 2016, toàn phường có trên 1.000 hộ gia đình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng vải chín sớm với tổng diện tích 315ha, thu hoạch sản lượng đạt 1.515 tấn, giá trị đạt 33,3 tỷ đồng.

Để tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo môi trường thuận lợi thu hút khách hàng và xây dựng hệ thống tiêu thụ có tính ổn định bền vững, tháng 2/2016, Hội Nông dân phường Phương Nam đã vận động thành lập Hợp tác xã vải chín sớm Phương Nam với 62 thành viên, với hoạt động chủ yếu là cung cấp vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, tư vấn kỹ thuật phục vụ cho sản xuất; đồng thời bao tiêu vải chín sớm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2018, Quỹ HTND Trung ương tiếp tục đầu tư hỗ trợ 500 triệu đồng giúp 10 hộ vay vốn đã mở rộng diện tích trồng vải chín sớm; Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ triển khai dự án mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải chín sớm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị với 15 hộ tham gia trên diện tích 12ha với mục tiêu hỗ trợ người trồng vải chín sớm Phương Nam xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng an toàn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần xây dựng mô hình kinh tế tập thể, bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân ở nông thôn. Đến năm 2020, vải chín sớm Phương Nam đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch trở thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung với diện tích phát triển lên gần 400 ha, cho thu hoạch sản lượng đạt 4.000 tấn, giá trị đạt 100 tỷ đồng, so với năm 2013 thì sản lượng tăng 800%, trị giá tăng gần 90 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam Bùi Văn Trà, trong quá trình phát triển nhãn hiệu tập thể vải chín sớm Phương Nam, đã xuất hiện nhiều hộ điển hình, tiên tiến, như hộ anh Phạm Văn Trị, khu Đá Bạc. Anh Trị là người tiên phong đi đầu với diện tích 1,3ha trồng 450 cây vải chín sớm. Thời gian ban đầu do chưa có kinh nghiệm, chăm sóc chưa đúng quy trình nên sản lượng, chất lượng quả vải chưa đạt hiệu quả, thu nhập không cao. Từ khi tham gia Tổ nông dân liên kết phát triển trồng vải chín sớm Phương Nam thông qua dự án của Quỹ HTND Trung ương hỗ trợ, anh được tham gia các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật đào tạo về quy trình kỹ thuật trồng vải. Được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển thị trường cùng với sự cần cù, sáng tạo của bản thân đến nay gia trại vải chín sớm của gia đình anh đã cho thu hoạch với một sản lượng chưa từng thấy, đạt khoảng 18 tấn, giá trị khoảng 500 triệu đồng, bình quân mỗi cây vải đã cho thu hoạch khoảng 100 kg. Cùng với cây vải, anh cũng tận dụng đất rãnh sung quanh gốc để canh tác lúa và kết hợp với thả gà, ngan, ngỗng và thả cá để phát triển kinh tế. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Trị còn hăng hái tham gia các hoạt động phong trào do Hội Nông dân các cấp tổ chức. Cá nhân anh Phạm Văn Trị cũng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu xuất sắc nhiều năm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bùi Văn Trà, năm 2021, sản lượng vải chín sớm Phương Nam chỉ đạt khoảng 2.500 tấn, chỉ bằng khoảng 50-60% so với năm 2020; do thời tiết không thuận lợi, nên sản lượng giảm; nhưng do các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP, nên chất lượng quả vải vẫn đảm bảo, mẫu mã đẹp, quả vải mọng, ngọt, giá bán đầu mùa khoảng 30-35.000 đồng/kg. Cũng vụ vải năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam có phần khó khăn, chậm hơn mọi năm. Để giải quyết bài toán tiêu thụ vải, Hội Nông dân phường phối hợp cùng UBND phường Phương Nam đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương lái và nông dân thu hoạch và tiêu thụ vải. Nông dân phường Phương Nam đang bước vào cao điểm thu hoạch vải. Với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và những giải pháp xúc tiến tiêu thụ vải của địa phương, hy vọng năm 2021 tuy do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng vải Phương Nam vẫn nâng cao được giá trị gia tăng và đảm bảo thu nhập cho nông dân trồng vải…

Có thể thấy, từ các hộ sản xuất đơn lẻ ban đầu, dự án Quỹ HTND đã hình thành nhóm hộ nông dân liên kết sản xuất trồng vải chín sớm Phương Nam. Vải chín sớm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch là vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung vải chín sớm Phương Nam và để Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể vải chín sớm Phương Nam. Từ đó, đã tác động đến từ nhu cầu tự thân, các hộ phát triển, hình thành hợp tác xã, cùng nhau hợp tác liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu nông sản của Quảng Ninh.

Phản hồi

Các tin khác