(ĐHXIII) - Lãnh đạo Đảng ủy Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam khẳng định, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ, lãnh đạo Cục, các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trên tất cả các lĩnh vực.
Một phần cảng nội địa trong khu Cảng Đình Vũ (Hải Phòng).
Thúc đẩy năng lực vận tải
Chia sẻ về những trọng tâm để phát triển ĐTNĐ, lãnh đạo Đảng ủy Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trong công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, Cục tiếp tục phối hợp chính quyền, các cơ quan hữu quan, chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện quyết liệt việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tăng cường các biện pháp thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối với các phương thức vận tải. Trong đó tập trung đề xuất, kiến nghị các giải pháp kết nối đối với các cảng thủy nội địa cấp I; cảng nằm trên tuyến vận tải chính như Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng - Việt Trì; TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; tuyến vận tải thủy trên sông Tiền, sông Hậu; nghiên cứu cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển vận tải, tăng thị phần vận tải ĐTNĐ, vận tải sông pha biển, vận tải container, vận tải các mặt hàng nông sản, thủy sản bằng xà lan và tăng cường quản lý các mặt hàng truyền thống như cát, đá, vật liệu xây dựng trên các hành lang vận tải chính.
Định kỳ làm việc, tiếp xúc doanh nghiệp, HTX vận tải, khai thác kinh doanh cảng, bến thủy nội địa và phối hợp các hiệp hội vận tải để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Làm việc với Liên minh hợp tác xã (HTX) để phát triển mô hình HTX vận tải thủy, hình thành các HTX và doanh nghiệp vận tải thủy lớn, các sàn giao dịch vận tải kết nối với các doanh nghiệp vận tải, cảng thủy nội địa, cảng biển.
Mặt khác, Cục cũng tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tăng cường quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện thủy; phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, xây dựng các giải pháp khả thi để kết nối và phát triển hài hòa các phương thức vận tải, ưu tiên kết nổi về chính sách, tiết giảm chi phí vận tải cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, rà soát lại việc thu phí, giá hạ tầng, đánh giá lợi thế của các cảng và bến thủy nội địa để điều chỉnh cho phù hợp, phát triển các cụm cảng trung chuyển ĐTNĐ.
Củng cố nguồn động lực
Đối với công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa, lĩnh vực ĐTNĐ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo với các địa phương rà soát, đình chỉ hoạt động các bến thủy nội địa không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông ĐTNĐ.
Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT, đôn đốc các Chi cục, Cảng vụ đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật thông tin về cảng, bến thủy nội địa lên cơ sở dữ liệu của Cục làm cơ sở để theo dõi, quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa. Đẩy nhanh tiến độ tin học hóa quy trình cấp giấy vào, rời cảng, bến thủy nội địa, tiếp tục rà soát các thủ tục chấp thuận xây dựng, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa (trang bị, lắp đặt hệ thống camera giám sát,...);…
Trong công tác quản lý phương tiện, đào tạo thuyền viên, Cục cũng rà soát đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Đặc biệt là hoàn thiện Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm sát hạch thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa”. Rà soát, hoàn thiện phương án tổng điều tra phương tiện, thuyền viên, người lãi phương tiện thủy nội địa và đơn vị kinh doanh vận tải ĐTNĐ…
Mặt khác, nghiên cứu để hiệu chỉnh, nâng cấp phần mềm quản lý đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Hướng dẫn và tổ chức thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa theo quy định. Triển khai thực hiện Bộ phận một cửa điện tử tại Cục đối với lĩnh vực đăng ký và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Tăng cường công tác kiểm tra lớp học và thực hiện giám sát các kỳ kiểm tra theo thẩm quyền nhằm kịp thời chấn chỉnh những tồn tại hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Nâng tầm nền tảng
Lãnh đạo Đảng ủy Cục ĐTNĐ Việt Nam khẳng định, công tác đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) sẽ tiếp tục được chú trọng. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, đặc biệt các cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích tư nhân đầu tư tham gia xây dựng KCHTGT ĐTNĐ.
Đồng thời, duyệt quyết toán công trình vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư tại các đơn vị trực thuộc Cục và tại Cục ĐTNĐ. Duyệt quyết toán tài chính tại các đơn vị trực thuộc và các đơn vị ủy thác… Mặt khác hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tổng hợp, lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch năm 2021 cũng như lập kế hoạch nhu cầu năm 2022, kế hoạch trung hạn 2022-2026. Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra hiện trường để đánh giá tình hình khả thi, hiệu quả các đề xuất xây dựng kế hoạch năm 2022; lập danh mục thứ tự ưu tiên các công trình để tham mưu xây dựng kế hoạch năm 2022;…
Tổ chức và thực hiện công tác quản lý chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và các công tác khác theo quy định. Tổng hợp, theo dõi về hiện trạng kỹ thuật KCHT; kịp thời có ý kiến đối với các công trình xây dựng có liên quan đến ĐTNĐ; cập nhật, báo cáo các dự án khai thác khoáng sản trên ĐTNĐ. Thực hiện nhiệm vụ giải ngân nguồn sự nghiệp kinh tế ĐTNĐ và các nguồn khác theo tiến độ.
Bài, ảnh: KC