Tăng cường phát triển kinh tế tư nhân
Quang cảnh cuộc họp trao đổi về Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân chiều 9/6 vừa qua(Ảnh: MPI)

Tuy Việt Nam đã có những doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Sungroup, nhưng trong khu vực kinh tế tư nhân, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn rất quan trọng, vì chiếm tới 96% doanh nghiệp hiện nay trong tổng số 800 nghìn doanh nghiệp của Việt Nam là DNNVV, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho Việt Nam trong lĩnh vực tài chính cũng như lựa chọn các đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trong thời gian qua, việc thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam bên cạnh những mặt tích cực, vẫn có những mặt hạn chế, trong đó có việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Thực tế cũng cho thấy, kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế, trọng tâm của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) là gỡ bỏ những rào cản và xây dựng năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng do phụ nữ, người dân tộc thiểu số làm chủ. Dự án IPS-C sẽ giúp nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển của Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp do những người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương làm chủ, qua đó tạo môi trường thuận lợi để họ tiếp cận công nghệ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh, kỹ năng quản lý doanh nghiệp và nguồn vốn. USAID đề cao tính minh bạch, tính làm chủ và trách nhiệm, các đơn vị được lựa chọn công khai và minh bạch; do đó USAID mong muốn nhận được sự tham gia chặt chẽ của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đối với những kết quả đạt được, USAID đảm bảo các dự án được thực hiện hiệu quả và bền vững.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân sẽ góp phần giúp Việt Nam tháo gỡ những rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để tăng cường được năng lực cạnh tranh, cần đổi mới công nghệ và hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó, cải thiện năng suất và hiệu quả, đồng thời cải thiện đổi mới công nghệ, nhân rộng các thông lệ tốt để vận hành các mô hình kinh doanh bền vững./.

Dự án IPS-C do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan chủ quản, được USAID tài trợ 36,3 triệu USD kéo dài trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 12/2025 với 4 mục tiêu: tăng cường năng lực quản lý; nâng cao hiệu quả và năng suất; cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và liên kết ngành. 

Phản hồi

Các tin khác