Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước
ảnh

Phấn đấu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước
(Ảnh minh họa: AT)

Phấn đấu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước

 Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 15/11/2011 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (khóa XIV), việc xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sự kiện, lễ hội được tổ chức đa dạng; hình thành những sản phẩm du lịch mới, điểm đến hấp dẫn. Hệ thống thiết chế văn hóa, du lịch của tỉnh được quan tâm đầu tư, đồng thời, hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch được nâng cấp, cảnh quan, môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa; xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế của Thừa Thiên Huế đối với trong nước và thế giới. 

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế xác định nhiều mục tiêu quan trọng để phấn đấu. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Du lịch sạch ASEAN, thành phố bền vững môi trường ASEAN và đạt danh hiệu Thành phố sáng tạo về văn hóa.

Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; là tiền đề để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, thành phố Festival của châu Á vào năm 2045. 

Về các chỉ tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, địa phương phấn đấu hoàn thiện hồ sơ Ca Huế đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; hoàn thiện 5 hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Ẩm thực Huế, Áo dài Huế. 

Bên cạnh đó, địa phương phấn đấu 95% gia đình, khu dân cư đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị và 80% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa; 100% các xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Ngoài ra, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế phấn đấu có 10 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao. Ngành du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, Thừa Thiên Huế hướng tới triển khai nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, bảo quản, tu bổ, phục hồi khoảng 50 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh; xây dựng 1 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng 5 hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Cùng với đó, tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 50 - 55%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 20.000 tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2,2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt trên 2,5 triệu đồng/lượt khách. 

 Phát huy những giá trị truyền thống độc đáo, đặc trưng của văn hóa, lịch sử Huế 

 Nhằm đạt được các mục tiêu lớn trên, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương sẽ tập trung xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa Huế, con người Huế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc của văn hóa Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống độc đáo, đặc trưng, tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế. 

Chăm lo phát triển đời sống văn hóa xã hội, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống gia đình, tính cộng đồng, thân thiện, mến khách, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm văn hóa, đậm bản sắc văn hóa Huế.

 Cùng với đó, Thừa Thiên Huế sẽ rà soát, đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình, di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, trong đó tập trung các di tích cấp quốc gia đặc biệt và di tích cấp tỉnh quan trọng.

Đáng chú ý, hướng tới xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố lễ hội của Đông Nam Á, theo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, địa phương sẽ đẩy mạnh việc triển khai bảo tồn, phát huy, nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội. Tổ chức các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế theo hướng hiệu quả, chất lượng, chuyên nghiệp. Duy trì và tổ chức định kỳ các hoạt động văn hóa, lễ hội. 

Đồng thời, tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa Huế. Gắn bảo tồn, nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội truyền thống với khai thác, thu hút, phát triển du lịch. 

 Cùng với các giải pháp trên, tỉnh sẽ tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa; hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tiếp tục triển khai quy hoạch, xây dựng hệ thống công viên văn hóa đa năng, các công trình phục vụ du lịch và vui chơi, giải trí; các thiết chế văn hóa đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa Huế.

Ngoài ra, địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hoá lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

 Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể. Phát triển nền văn hóa công vụ, hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, chuyên nghiệp, tận tụy.  Quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế; văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân trong các khu công nghiệp. 

Ngoài ra, để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; huy động các nguồn lực và đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm của tỉnh, hoàn thiện hạ tầng phát triển du lịch. Kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, quy mô lớn vào lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, giải trí. 

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch. Nâng cấp đồng bộ hạ tầng đô thị, chỉnh trang không gian cảnh quan trên địa bàn thành phố Huế; hoàn thiện các công trình giao thông kết nối hỗ trợ phát triển du lịch,…/.

Phản hồi

Các tin khác