(ĐHXIII) – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu nâng cao năng lực ĐMST cho 3.000 doanh nghiệp và phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đến năm 2025.
Ảnh minh họa
Trong những năm qua, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao. TP Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 1/3 ngân sách cả nước, tăng trưởng kinh tế đóng góp khoảng 23% cho phát triển chung và luôn đạt trên 1,5 lần trung bình của cả nước. Việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của thành phố, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST sẽ tạo động lực mạnh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL và cả nước.
Để có được những kết quả đó, Thành phố đã có nhiều hoạt động triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đồng thời cũng là địa phương sớm ban hành nhiều chính sách, đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái ĐMST và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST.
Với Đề án trên, Thành phố xác định mục tiêu là hỗ trợ phát triến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố phát triển ngang tầm khu vực,…nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.
Đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hồ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Đề án đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 như: Hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3.000 doanh nghiệp; ươm tạo, phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp ĐMST; phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.
Để đạt mục tiêu trên, Đề án sẽ tập trung xây dựng và triển khai 7 nhóm nhiệm vụ chính: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh khởi nghiệp ĐMST, hình thành các hệ sinh thái ĐMST của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST phát triển sản phẩm và thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và ĐMST; Thúc đấy hoạt động ĐMST trong khu vực công; Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp ĐMST; Truyền thông khởi nghiệp ĐMST.
Cũng theo Đề án, TP Hồ Chí Minh sẽ hình thành các hệ sinh thái ĐMST của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm, các công nghệ và các sản phẩm ĐMST có lợi thế cạnh tranh hoặc có tiềm năng phát triển của Thành phố, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (edtech), công nghệ in 3D, Robotics, nông nghiệp thông minh, du lịch,...
Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, về hạ tầng, Thành phố đã tạo ra 34 cơ sở ươm tạo, 10 không gian làm việc (khoảng 33.000 m2) và các không gian đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng đã nâng cao năng lực kết nối với 160 cố vấn khởi nghiệp, hơn 200 chuyên gia hướng dẫn, từ đó nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho hơn 3.000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trên thực tế, đã có 2.400 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra đời, 60 cuộc thi thu hút 3.000 dự án đăng ký tham gia.
Theo đại diện Sở Khoa học –Công nghệ Thành phố, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách để tiếp sức, tạo ra nguồn lực bổ sung và kết nối với công đồng, thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Thành phố.
Lê Thúy